Khám lâm sàng hệ vận động ~ Blog Vn Chia sẻ

Khám lâm sàng hệ vận động

KHÁM LÂM SÀNG HỆ VẬN ĐỘNG



MỤC TIÊU

1.     Khai thác đầy đủ bệnh sử với các triệu chứng bệnh lý cơ xương khớp

2.     Thực hiện trình tự khám khớp chung

3.     Thực hiện được các nghiệm pháp chính khám khớp vai, háng, gối, cột sống

 

 

1. TỔNG QUAN 

1.1. Xương

Bộ xương giúp nâng đỡ cơ thể và bảo vệ các cơ quan bên trong các khoang cơ thể như lồng ngực, cột sống, sọ v v. Xương trường thành nhờ sự khoáng hóa chất nền xương thông qua hoạt động của các tạo cốt bào tại chất nền sụn ở đầu các xương dài, tấm sụn (endplates) ở xương cột sống, và cốt hóa sụn các xương sụn ở sọ và mặt.  Vỏ xương (cortical bone) là phần xương dày lên bao quanh 1 vùng rỗng trung tâm, vùng tủy xương. Bè xương (trabecullar) hình thành nên 1 mạng lưới phức tạp nằm dọc theo các đường chịu lực trong khoang tủy. Mô xương là một mô sống có thể đổi mới, sửa chữa thông qua các hoạt động của vác tế bào xương như: tạo cốt bào (osteoblast) và hủy cốt bào  (osteoclast), v v v. Hình dạng của xương trưởng thành chịu ảnh hưởng của lực kéo từ các cơ. Các xương liền nhau nối với nhau bởi dây chằng. 

1.2. Khớp 

Có ba loại khớp là: khớp động như các khớp ở tay, chân. Khớp bán động như khớp các đốt sống khớp bất động như khớp ở hộp sọ. Các khớp động thường là những khớp họat dịch (synovial joint), bề mặt được bao phủ bởi lớp sụn hyaline giúp chịu được những lực tải lặp đi lặp lại theo trục giúp tránh những biến dạng và làm cho bề mặt trơn láng gần như không có ma sát. Khớp được nuôi dưỡng thông qua dịch khớp được tiết ra từ màng hoạt dịch. Các khớp họat dịch được bao phủ bởi lớp màng hoạt dịch có cấu tạo là collagen được lót bởi 1 lớp tế bào hoạt dịch tiết ra proteoglycan như là một chất giúp bôi trơn khớp. Các khớp bán động với biên độ cử động ít thường có khối sụn xơ (fibrocartilage) là thành phần chính của khớp như đĩa đệm của cột sống.

1.3. Cơ, gân, bao hoạt dịch

Cơ thường bao gồm 2 phần chính là nguyên ủy và bám tận, nguyên ủy của cơ thường bám trực tiếp vào màng xương, trong khi bám tận của cơ vào xương thường thông qua gân. Gân được cấu tạo từ những sợi collagen vô mạch là sự nối tiếp liên tục từ những sợi collagen từ cơ và xương mà nó nối kết. Gân có thể nằm độc lập trong mô hoặc được bao phủ bởi bao gân hay bao hoạt dịch thường là những phần gân bắt chéo qua khớp hay nằm ở gần đầu xương. Bao hoạt dịch (Bursae) được bao phủ bời 1 lớp hoạt dịch làm giảm sự masat của gân hay cơ với nền xương. 

2. BỆNH SỬ

Hỏi bệnh sử nhằm khai thác các triệu chứng về các bệnh lý cơ xương khớp đóng vai trò quan trọng trong việc giúp xác định chẩn đoán chính xác, người khám cần phải hiểu rõ chính xác những triệu chứng mà bệnh nhân mô tả. cần khai thác 1 cách chi tiết các triệu chứng như: hoàn cảnh khởi phát, vị trí, tiến triển, hướng lan, các yếu tố làm tăng giảm, tính chất, các triệu chứng liên quan, thời gian xuất hiện. Ghi nhận các điều trị, can thiệp trước đó như sủ dụng các thuốc kháng viêm, corticoid, tiêm vào khớp.

2.1. Đau

Đau là triệu chứng thường mang bệnh nhân đến với thầy thuốc nhất. đau là một cảm giác khách quan, được mô tả với nhiều cách khác nhau. Do vậy cần khai thác 1 cách chi tiết các tính chất của đau. Đau có thể do gân cơ, dây chằng, thần kinh, mạch máu hay xương. Đau do thần kinh thường đi kém vời các  triệu chứng như tê, di cảm, đau theo đường thần kinh v v. Đau mơ hồ không theo bất kì vị trí giải phẫu thường gợi ý một hội chứng đau mãn tính như đau xơ cơ, bệnh tâm thần v v. Đau tại khớp liên tục không giảm khi nghỉ ngơi đau tăng về đêm gần sáng là đau khớp trong các bệnh lý viêm, như gút, viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp v v v. Đau khi vận động và giảm khi nghỉ ngơi thường là đau cơ học trong các bệnh lý khớp không viêm như thoái hóa khớp, trượt đốt sống, xẹp đốt sống v v. 

2.2. Cứng khớp

Được hiểu như 1 cảm giác khó chịu và giới hạn vận động khớp tạm thời sau 1 khoảng thời gian để khớp bất động. Cứng khớp buổi sáng thường là biểu hiện sớm của bệnh lý khớp viêm có thể kéo dài nhiều giờ thường là trên 60 phút. Cứng khớp buổi sáng kéo dài < 30 phút thường biểu hiện bệnh lý khớp không viêm như thoái hóa khớp. Tuy nhiên cứng khớp buổi sáng không hoàn toàn đặc hiệu cho bệnh lý về khớp. Cứng khớp buổi sáng có thể gặp trong 1 số các bệnh lý khác như Parkinson, đau xơ cơ, hội chứng đau mãn tính tự phát v v  2.3. Yếu cơ

Yếu cơ là sự giảm sức mạnh của cơ. Thời gian của sự yếu cơ là rất quan trọng để chẩn đoán phân biệt. Yếu cơ khởi phát đột ngột mà không có chấn thương thường chỉ ra một rối loạn thần kinh như mạch máu não cấp tính. Yếu cơ bắt đầu ngấm ngầm và tăng dần hơn cho thấy một bệnh về cơ, chẳng hạn như bệnh viêm đa cơ (polymyositis). Yếu cơ không liên tục gợi ý một rối loạn của các khớp thần kinh cơ, chẳng hạn như nhược cơ nặng. Yếu cơ gốc chi, đối xứng 2 bên thường nghĩ đến các bệnh lý về cơ như viêm cơ, bệnh cơ do corticosteroid, bệnh cơ trong cường giáp v v. Trong khi yếu ngọn chi và không kèm bệnh lý khớp thì nghĩ nhiều bệnh lý thần kinh ngoại biên và thường đi kèm với rối loạn cảm giác như dị cảm, giảm cảm giác, tăng cảm…

 

3. KHÁM LÂM SÀNG HỆ VẬN ĐỘNG

3.1. Nhìn

Sưng: có thể do tràn dịch, viêm mô mềm quanh khớp, viêm gân, bao hoạt dịch, biến dạng đầu xương, tăng sinh màng hoạt dịch v v v. Cần tìm các bằng chứng như mất nếp nhăn da, các rãnh giải phẫu bình thường và so sánh hai bên

Biến dạng khớp: biến dạng lệch trục, biến dạng đầu xương, trật hay bán trật khớp. Biến dạng khớp thường đi kèm với giới hạn vận động khớp làm giảm hoặc mất chức năng của khớp, có thể gây ra đau khi vận động. tuy nhiên có trường hợp biến dạng khớp nhưng chức năng khớp bình thường như biến dạng khớp bàn tay trong lupus (Jaccoud's arthropathy)

Màu sắc 

Hồng ban

Vết thương

 

3.2. Sờ

Màng hoạt dịch bình thường không thể sờ được khi khám vì nó quá mỏng, trong những trường hợp viêm khớp mãn tính như viêm khớp dạng thấp, màng hoạt dịch thường dày lên và có thể sờ được khi khám. Bằng cách dồn dịch khớp trong khoang màng hoạt dịch chúng ta dễ dàng xác định được 1 khối phồng lên, khối này có thể là do dịch hoặc do sự tăng sinh màng hoạt dịch. Nếu khối phồng mất đi nhanh chóng sau khi ngưng dồn dịch thì đó thường là tràn dịch, còn nếu sự căng phồng kéo dài thì thường là do tăng sinh màng hoạt dịch.

Sờ những điểm bám gân giúp xác định những trường hợp viêm gân, thường chỉ đau 1 hoặc vài điểm trên khớp. Khác với viêm khớp là sờ sưng đau toàn khớp.

Tiếng lạo xạo khớp: có thể cảm nhận thấy khi sờ và nghe như tiếng lách tách, răng rắc khi khớp vận động. Bệnh nhân có thể có cảm giác khó chịu hoặc không. Tiếng lạo xạo gây ra do sự cọ sát của các bề mặt khớp sần sùi hoặc do các thành phần ngoài khớp trong lúc khớp hoạt động. Tiếng lạo xạo khớp rõ thường gặp trong các khớp viêm mãn tính do sự ma sát các bề mặt sụn xói mòn hoặc sự hiện diện của mô hạt viêm. Tiếng lạo xạo khớp mờ có thể gặp trong bệnh lý khớp viêm hoặc không viêm. Cần phân biệt với những tiếng bình thường ở khớp do sự trượt của gân và dây chằng lên bề mặt xương.

Nhiệt độ: khớp sưng đau nóng thường là khớp viêm.

3.3. Khám vận động

Giới hạn vận động khớp là biểu hiện thường thấy ở các bệnh lý về khớp. người khám cần biết biên độ vận động bình thường của các khớp, từ đó so sánh với các khớp bị ảnh hưởng. Giới hạn vận động khớp có thể do sự bất thường tại bề mặt khớp hoặc do những thành phần xung quanh khớp. Để phân biệt cần phải khám và so sánh vận động chủ động và vận động thụ động. Đau và không cải thiện biên độ vận động xảy ra cả vận động chủ động và thụ động thì thường là có bật thường tại khớp. Đau khi vận động chủ động và giảm đau khi vận động thụ động, cũng như biên độ vận động thụ động lớn hơn so với chủ động thì bất thường chủ yếu là ở các thành phần quanh khớp do có sự thư giãn của các gân cơ và dây chằng trong vận động thụ động.

4. KHÁM KHỚP HÁNG

4.1. Nhìn

Khám khớp háng bắt đầu với quan sát dáng đi của bệnh nhân, giúp đánh giá khối cơ quanh khớp háng, cần quan sát từ phía sau, phía trước và bên, so sánh cả 2 bên tìm những bất đối xứng có thể thấy. Chú ý các dáng đi như: dáng đi giảm đau (antalgic gait), dáng đi trendelenburg và đi kiểu loạng choạng do teo cơ gốc chi


  

Hình 1.1: Dáng đi trendelenburg. (Nguồn: Macleod's Clinical Examination 13th, 2013)

Trong khi bệnh nhân đứng, thực hiện trendelenburg test bằng cách yêu cầu bệnh nhân đứng trên 1 chân. Người khám đứng phía sau và quan sát khung chậu. Khung chậu bình thường không thay đổi hay có hơi nâng lên nhẹ. Nếu khung chậu xệ xuống về bên mà bệnh nhân đưa chân lên, thì nghi ngờ có yếu nhóm cơ dạng chân ở bên chân đang trụ



  

Hình 1.2: Nghiệm pháp Trendelenburg. (Nguồn: Bates' Guide to Physical Examination and History Taking 11th, 2013).

4.2. Sờ

Yêu cầu bệnh nhân nằm. Bắt đầu với nhìn tổng quát khớp háng và chân. Sờ các khối cơ và so sang 2 bên giúp phát hiên những bất thường nhưng sưng, nóng đỏ teo cơ hay sẹo mổ cũ. Kiểm tra chiều dài thật sự và chiều dài biểu kiến. chiều dài thật sự là chiều dài được đo từ mắt cá chân đến gai chậu trước trên, chiều dài biểu kiến được đo từ rốn đến mắt cá trong

 



Hình 1.3: Phương pháp đo chiều dài thật sự và chiều dài biểu kiến chi dưới. (Nguồn: Macleod's Clinical Examination 13th, 2013).

Khớp háng là mộ khớp nằm sâu, do vậy khó mà đánh giá đầy đủ các thánh phần của khớp háng qua sờ. Tuy nhiên cần đánh giá cấu trúc nằm nông như mấu chuyển lớn, nếu đau có thể nghi ngờ bị viêm bao họat dịch mấu chuyển lớn. 

4.3. Đánh giá vận động khớp háng

Gập

Duỗi

Xoay trong

Xoay ngòai

Gập khớp háng: gập gối bệnh nhân 90 độ và ấn khớp gối hướng về ngực bệnh nhân. Duỗi khớp háng được thực hiện, người khám đưa tay vào phía dưới của gót chân và yêu cầu bệnh nhân ấn gót vào tay bạn về phía giường. Xoay trong và xoay ngòai cũng được thực hiện với gối gập và tiến hành xoay khớp háng quanh trục. 



 


Hình 1.4: Đánh giá gập (bên P) và duỗi (bên T) khớp háng. (Nguồn: Clinical examination 7th, 2014).


 

Hình 1.5: Đánh giá xoay trong (bên P) và xoay ngoài (bên T) khớp háng. (Nguồn: Clinical examination 7th, 2014).

4.4. Test chuyên biệt

Thomas test:  Đặt tay người khám dưới lưng bệnh nhân để đảm bảo lưng của bệnh nhân không di chuyển lên khỏi mặt giường và yêu cầu bệnh nhân gập khớp háng tối đa. Quan sát khớp háng bên đối diên, nếu nó gập lên khỏi giường thì test (+). Ý nghĩa là có bất thường tại khớp háng  

 



 

Hình 1.6: Thomas' test. (Nguồn: Musculoskeletal Examination 3rd, 2009)

5. KHÁM KHỚP GỐI

5.1. Nhìn

Dáng đi, phát hiện sự khập khiễng, hoặc những biến dạng như sẹo hoặc teo cơ, những biến dạng trục ở gối như vẹo trong (varus) hoặc vẹo ngoài (valgus). Quan sát phía sau khớp gối xem có sưng ở vùng nhượng chân hay không như là kén baker.

Quan sát khi nằm, quan sát tổng thể, bộc lộ vùng khớp khám, so sáng 2 bên phát hiện sưng đỏ, teo cơ, sẹo, hồng ban, biến dạng gập khớp (fixed flexion deformities)

5.2. Sờ 

Kiểm tra nhiệt độ bằng mu bàn tay, so sánh với vùng da có nhiệt độ bình thường của bệnh nhân phát hiện. Sờ tìm những điểm đau nhói trên khớp như: bờ xương bánh chè, lồi củ chày, vùng kheo, đường nối khớp (joint lines), giúp phát hiện viêm điểm bám gân, tổn thương dây chằng, hay kén hoạt dịch. bập bềnh xương bánh chè giúp phát hiện tràn dịch khớp 



 

Hình 1.7: Sờ điểm bám gân bánh chè. (Nguồn: Musculoskeletal Examination 3rd, 2009).



Hình 1.8: Nghiệm pháp bập bềnh xương bánh chè.(Nguồn: Clinical examination 7th, 2014)

5.3. Khám vận động: chủ động và thụ động

Gập

Duỗi

Khám vận động ghi nhận biên độ vận động đồng thời sờ phát hiện dấu lạo xạo khớp khi khớp vận động.





Hình 1.9: Đánh giá gập (bên T) và duỗi (bên P) khớp gối. .(Nguồn: Clinical examination 7th, 2014)

5.4. Các test chuyên biệt

Test ngăn kéo trước và sau: gập gối 90 độ, người khám ngồi lên chân bệnh nhân, 2 tay giữ ở mâm chày và kéo cằng chân về phía trước hướng về xương chàv. Bình thường không có sự di chuyển xương chày về phía trước. nếu có nghĩ nhiều đến tổn thương day chằng chéo trước. tương tự với tay người khám ở vị trí trên đầy xương chày ra phía sau, nếu xương chày di chuyển về phía sau thì nghĩ đến tổn thương dây chằng chéo sau tức test ngăn kéo sau


 

Hình 1.10: Test ngăn kéo trước và sau. (Nguồn: Macleod's Clinical Examination 13th 2013)

Test dây chằng bên: giữ cho gối gập 15 độ, tạo lực căng ở vùng bên khớp gối trong và ngoài. Bình thường không có sự di chuyễn khớp gối về phía trong hay ngoài. Nếu có nghi ngờ tổn thương dây chằng bên



Hình 1.11: Test dây chằng bên. (Nguồn: Macleod's Clinical Examination 13th 2013).

Apley test: Bệnh nhân nằm úp với gối gập 90 độ, người khám cố định đùi bệnh nhân bằng 1 tay và tay còn lại xoay trong và xoay ngoài xương chày đồng thời tạo lực dồn từ gót chân xuống khớp gối và sau đó thực hiện lực kéo từ dưới lên hướng về gót chân đồng thời xoay trong và xoay ngoài xương chày

 

  


Hình 1.12: Apley test. (Nguồn: Clinical Tests for The Musculoskeletal System 2nd, 2008)

Nếu bệnh nhân xuất hiện triệu chứng đau khi xoay trong và xoay ngoài xương chày với lực ấn từ trên xuống thì chỉ ra có tổn thương sụn chêm., còn nếu chỉ đau khi xoay trong và ngoài với lực kéo từ dưới lên thì chỉ ra tổn thương dây chằng, vì khi kéo lên sụn chêm. Không còn chịu lực tác động nên không đau nếu có tổn thương sụn chêm

6. KHÁM CỘT SỐNG

6.1. Nhìn

Khám bệnh nhân từ phía sau, quan sát bất kì những bất thường như sẹo, teo cơ, chú ý những cấu trúc đối xứng 2 bênh phát hiện các biến dạng cột sống như vẹo cột sống. Nhìn từ phía bên, kiểm tra độ cong bình thường cột sống phát hiện các biến dạng như ưỡn cột sống cổ quá mức (cervical lordosis), gù cột sống ngực (thoracic kyphosis) và ưỡn quá mức cột sống thắt lưng (lumbar lordosis)

 




Hình 1.13: Vẹo (A) và gù (B) cột sống. (Nguồn: Macleod's Clinical Examination 13th 2013).

6.2. Sờ

Sờ cạnh cột sống, dọc theo toàn bộ chiều dài cột sống, sờ vào các mấu gai xem có liên tục hay không, nếu mất liên tục và trượt vế phía trước (dấu bậc thang) nghĩ đến trượt đốt sống ra phía trước.  sờ đến khớp cùng chậu và khối cơ cạnh sống. liên tục hỏi bệnh nhân xem có đau không, do người khám khó quan sát thấy vẻ mặt bệnh nhân

6.3. Vận động

Vận đông cột sống chỉ có vận động chủ động, đầu tiên đánh giá gập, duỗi và gập bên cột sống thát lưng. Yêu cầu bệnh nhân thẳng gối cuối người ra phía trước cố gắng dùng ngón tay chặm vào ngón cái  (gập cột sống), bình thường khoảng cách tay đất là khoảng 5cm và sau đó ngả người ra sau hết mức có thể  (duỗi cột sống). Gập bên cột sống yêu cầu bệnh nhân nghiêng người sang bên với tay chay dọc xuống bên ngoài đùi và cẳng chân. 





Hình 1.14: Đánh giá vận động cột sống thắt lưng. (Nguồn: Macleod's Clinical Examination 13th 2013)

 

Cột sống cổ được đánh giá vận động gập bên, xoay, gập ra trước và duỗi cột sống cổ với những động tác đơn giản như: gập bên: đặt tai chạm vào vai của bạn, xoay: nhìn qua vai của bạn, gập trước: chạm cằm vào ngực, duỗi: ngửa cổ và nhìn lên trần nhà.




Hình 1.15: Đánh giá vận động cột sống cổ: (a) Gập cổ qua bên, (b) Xoay cổ, (c) Gập cổ ra trước, (d) Duỗi cổ. (Nguồn:“History and physical examination”, chapter 28, Rheumatology 6th, 2014)

Đánh giá vận động xoay cột sống ngực với bệnh nhân ngồi trên mép giường để cố định xương chậu sau đó yêu cầu bệnh nhân xoay mỗi bên. Đo độ giãn nở lồng ngực với hít vào và thở ra hết mức thường sự thay đổi này từ 2.5 trở lên là bình thương

6.4. Test chuyên biệt:

Spurling test: giúp phát hiện chèn ép rễ thần kinh cổ. Bệnh nhân ngồi, người khám xoay đầu bệnh nhân 1 cách thụ động về phía bên đau của bệnh nhân, ngửa nhẹ cổ và người khám dồn lực nhẹ nhàng từ đỉnh đâu hướng về phía chân của bệnh nhân. điều này làm hẹp lỗ ra và tạo áp lực lên dây thần kinh bị ảnh hưởng. Test dương tính khi có đau kiểu rễ thần kinh lan từ cổ xuống tay. Khi làm về phía đối bên thường các triệu chứng thuyên giảm.


 

 Hình 1.16: Spurling test. (Nguồn: Clinical Tests for The Musculoskeletal System 2nd, 2008)

 

Straight leg test (Lasegue test): bênh nhân tư thế nằm ngửa người khám nâng dần chân bệnh nhân lên. Nếu xuất hiện đau kiễu rễ thần kinh thì nghi ngờ có tổ thương rễ thần kinh cột sống thắt lưng 

                                                  


Hình 1.17:   Nghiệm pháp Lasegue. (Nguồn: “History and physical examination”, chapter 28, Rheumatology 6th, 2014)

 

7. KHÁM KHỚP VAI

7.1. Nhìn

Với tư thế đứng chúng ta có thể thực hiện đánh giá nhanh chóng và dễ dàng về chức năng khớp vai với 2 động tác đơn giản. Một là đặt 2 bàn tay say gáy (1) và hai là bắt chéo tay sau lưng (2). Nếu bệnh nhân có thể thực hiện được 2 động tác này bình thường điều này cho thấy không có giới hạn chức năng vận động khớp vai.

 


 

Hình 1.18: Nhìn khớp vai: Đặt 2 bàn tay say gáy (T) và bắt chéo tay sau lưng (P). (Nguồn: “History and physical examination”, chapter 28, Rheumatology 6th, 2014)

 

7.2. Sờ 

Đánh giá nhiệt độ tại khớp và thành phần quanh khớp. Nếu có nóng nghĩ nhiều đến viêm khớp vai. Đánh giá 1 cách có hệ thống lên các điểm mốc, băt đầu với khớp ức đòn, tiếp đến khớp cùng đòn, mỏn cùng vai và cuối cùng là gai vai. Xác định đường nối giữa chỏm xương cánh tay và ổ chảo xương vai từ trước ra sau. Xác định các điểm bám gân tìm các điểm đau khu trú 

 

7.3. Vận động

Bắt đầu với khám chủ động. yêu cầu bệnh nhân đưa tay ra trước với khuỷu gập (gập vai), và đẩy khuỷu ra sau (duỗi vai). Đưa cánh tay ra xa khỏi cơ thể và lên trên (dạng), gập khuỷu, áp sát cánh tay vào thân và di chuyển cẳng tay ra ngoài (xoay ngoài) cuối đưa mu bàn tay ra sau lưng (xoay trong)


 

Hình 1.19: Gập (T) và duỗi (P) khớp vai. (Nguồn: Bates' Guide to Physical Examination and HistoryTaking 11th, 2013)

 


 

Hình 1.20: Dạng (T) và khép (P) khớp vai. (Nguồn: Bates' Guide to Physical

                        Examination and HistoryTaking 11th, 2013)              

 


 

Hình 1.21: Xoay ngoài (T) và xoay trong (P) khớp vai. (Nguồn: “History and physical examination”, chapter 28, Rheumatology 6th, 2014)

 

Sau khi thực hiện chủ động chúng ta thực hiện thụ động. Chú ý tiếng lạo xạo khớp khi thực hiện vận động chủ động

7.4. Test chuyên biệt 

Test đánh giá chóp xoay (the impingement test): Hawkins-Kennedy test, Neer test và Empty Can test

Test đánh giá độ vững khớp vai: apprehension test

Hawkins-Kennedy test: cánh tay của bệnh nhân với khuỷu tay uốn cong 90 độ và vai dạng thụ động đến 90 độ. Nhẹ nhàng xoay trong khớp vai. Thực hiện lặp đi lặp lại với những mức độ dạng của khớp vai từ 0 – 90 độ. Có đau tại khớp vai khi thực hiện là test dương tính

 


 

Hình 1.22: Hawkins-Kennedy test. (Nguồn: Systematic Musculoskeletal Examinations 2012)

Neer test: Người khám cố định xương bả vai bằng 1 tay, cho bệnh nhân xoay trong khớp vai và gập thụ động từ từ khớp vai từ 0 – 10 độ. Nếu có đau tai khớp vai trong lúc thực hiện là test dương tính 



Hình 1.23: Neer test. (Nguồn: Systematic Musculoskeletal Examinations 2012)

Empty Can test: bệnh nhân dạng tay khoảng 90 độ và ngon tay cái hướng xuống cùng với khuỷu duỗi hoàn toàn, bệnh nhân kháng lai lực ấn của người khám từ trên xuống. Nếu đau tại khớp vai là test dương tính.

            



Hình 1.24: Empty Can test. (Nguồn: Systematic Musculoskeletal Examinations 2012).

The apprehension test: là một test tốt đánh giá độ vững khớp vai, bệnh nhân nằm ngửa với vai thả lỏng trên bàn khám người khám dạng khớ vai thụ động đến 90 độ, từ từ xoay ngoài cánh tay bằng cách dùng cổ tay và khuỷu tay bệnh nhân như 1 điểm tựa. Nếu bệnh nhân cảm giác thấy vai của mình khó chịu như trượt ra hoặc thụt vào thì test dương tính



  

Hình 1.25: The apprehension test. (Nguồn: Systematic Musculoskeletal

Examinations 2012)

 

Tóm tắt: Đau là triệu chứng thường mang bệnh nhân đến với thầy thuốc nhất, đau là một cảm giác khách quan, được mô tả với nhiều cách khác nhau. Do đó khai thác đầy đủ các tính chất của đau sẽ giúp chẩn đoán chính xác các bệnh lý cơ xương khớp. Khám khớp bao gồm nhìn, sờ, khám vận động khớp và các test chuyên biệt.

Từ khóa: Đau khớp, cứng khớp, biến dạng khớp, giới hạn vận động khớp.

CÂU HỎI TỰ LƯỢNG GIÁ

1.        Triệu chứng đau nóng rát, tê bì, châm chích thường gặp trong bệnh cảnh:

A.           Đau cơ học

B.            Đau do viêm

C.            Đau do tổn thương thần kinh

D.           Đau do ung thư

 

2.        Yếu cơ gốc chi đối xứng 2 bên thường gặp trong các bệnh lý sau, NGOẠI TRỪ:

A.           Viêm thần kinh ngoại biên

B.            Viêm đa cơ tự miễn

C.            Cường giáp

D.           Bệnh cơ do glucocorticoid

 

3.        Đau do nguyên nhân tại mô mềm quang khớp có đặc điểm:

A.           Đau khi khám cả vận động chủ động lẫn thụ động

B.            Chủ yếu khi khám vận động chủ động

C.            Chủ yếu khi khám vận động thụ động

D.           Chỉ phát hiện khi thực hiện các test chuyên biệt

 

4.        Các test chuyên biệt để đánh giá chóp xoay gao gồm, NGOẠI TRỪ:

A.           Hawkin-Kennedy test

B.            Neer test

C.            Empty can test

D.           Apprehension test

 

5.        Straight leg test giúp phát hiện:

A.           Tổn thương khớp háng

B.            Tổn thương khớp gối

C.            Tổn thương rễ thần kinh cột sống thắt lung

D.           Tổn thương dãi chậu chày

            Đáp án: 1-C, 2-A, 3-B, 4-D, 5-C

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Bates' Guide to Physical Examination and History Taking 11th, 2013.

2.      Kelley's Textbook of Rheumatology 9th, 2013. 

3.      DeGowin Diagnostic Examination 9th, 2009.

4.      Clinical examination 7th, 2014.

5.      Macleod's Clinical Examination 13th, 2013.

6.      Musculoskeletal Examination 3rd, 2009.

7.      Clinical Tests for The Musculoskeletal System 2nd, 2008.

8.      “History and physical examination”, chapter 28, Rheumatology 6th, 2014. Systematic Musculoskeletal 


* Đọc thêm:

Điều dưỡng nội tập 1.

Điều dưỡng nội tập 2.

- Phác đồ điều trị bệnh tim mạch năm 2018

 
Share:

No comments:

Post a Comment

BÀI MỚI

BÀI PHỔ BIẾN

MÁY TÍNH

TÀI LIỆU

GIẢI TRÍ

THÔNG TIN THUỐC

ĐĂNG KÝ EMAIL ĐỌC BÀI MỚI

Name

Email *

Message *

Tất cả bài đăng