2021 ~ Blog Vn Chia sẻ

ĐIỀU DƯỠNG CHĂM SÓC BỆNH NHÂN XUẤT HUYẾT TIÊU HÓA - ĐIỀU DƯỠNG NỘI KHOA TẬP 2


Xuất huyết tiêu hoá (XHTH) là biểu hiện của chảy máu đường tiêu hóa do nhiều nguyên nhân, là một cấp cứu nội khoa cần được xác định sớm, theo dõi và xử lý kịp thời để tránh tử vong cho người bệnh. Biểu hiện là người bệnh nôn ra máu hoặc đi cầu ra máu. Nguyên nhân thường gặp ở dạ dày có thể do người bệnh dùng thuốc giảm đau, kháng viêm, thuốc kháng đông, .. gây ảnh hưởng đến dạ dày của người bệnh. Hoặc bệnh lý ngoài ống tiêu hóa: bệnh về gan, hay xuất huyết tiêu hóa dưới. 

Bài chăm sóc người bệnh xuất huyết tiêu hóa sẽ giúp điều dưỡng kiến thức về bệnh cũng như cung cấp thông tin cho mọi người về bệnh. Như nguyên nhân để phòng tránh cũng như về kiến thức chăm sóc cho người bệnh. Để hiểu biết về bệnh các bạn hãy dành thời gian đọc và nghiên cứu kỹ về bệnh.

 




 Bài 16

CHĂM SÓC BỆNH NHÂN XUẤT HUYẾT TIÊU HÓA

 

MỤC TIÊU

1. Trình bày được các nguyên nhân của xuất huyết tiêu hóa trên và dưới

2. Phát hiện được các triệu chứng lâm sàng của xuất huyết tiêu hoá

3. Chăm sóc được bệnh nhân xuất huyết tiêu hoá

 

1. ĐẠI CƯƠNG

Xuất huyết tiêu hoá (XHTH) là biểu hiện của chảy máu đường tiêu hóa do nhiều nguyên nhân. Xuất huyết tiêu hóa là một cấp cứu nội khoa cần được xác định sớm, theo dõi và xử lý kịp thời để tránh tử vong cho người bệnh.

 

1.1. Định nghĩa

Xuất huyết tiêu hoá là sự chảy máu có nguồn gốc từ đường tiêu hóa ra ngoài qua đường miệng (nôn ra máu) hoặc hậu môn (đi cầu ra máu).

Xuất huyết tiêu hóa có thể là kết quả của sự tổn thương thành mạch do:

- Viêm cấp chảy máu.

- Giảm tính thấm của thành mạch.

- Do phát triển ổ loét sâu vào mạch máu.

- Do giãn vỡ các mạch máu.

 

1.2. Nguyên nhân thường gặp và cơ chế bệnh sinh

1.2.1. Xuất huyết ống tiêu hóa trên

Nguồn gốc chảy máu từ góc Treizt (góc tá hổng tràng) trở lên, không kể chảy máu từ ráng lợi cụ thể:

- Tổn thương trực tiếp ở dạ dày, tá tràng

+ Loét dạ dày tá tràng: là nguyên nhân hay gặp nhất của xuất huyết tiêu hóa cao chiếm từ 50-75% số bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hoá cao.

Chảy máu chủ yếu là do các mạch máu bị loét. Các ổ loét nong thường gây chảy máu mao mạch nên số lượng thường ít và tự cầm ngược lại các ổ loét sâu và loét xơ chai thường gây chảy máu ồ ạt và rất khó cầm do loét vào các mạch máu lớn và khả năng co mạch bị hạn chế.

+ Viêm cấp chảy máu ở dạ dày tá tràng do uống thuốc như: aspirin, corticoid, phenylbutazon, kali chlorua, các thuốc kháng viêm không steroid, thuốc chống đông ...

· Aspirin gây chảy máu dạ dày theo các cơ chế sau: Aspirin có chứa các tinh thể acid Salysilic làm ăn mòn niêm mạc dạ dày gây loét chảy máu; Aspirin ức chế sản xuất gastromucoprotein của niêm mạc dạ dày. Aspirin gây loét và chảy máu, gặp ở dạ dày nhiều hơn tá tràng, do tác dụng tại chỗ và toàn thân.

· Tại chỗ: trong môi trường acid của dạ dày, aspirin không phân ly và hòa tan được với mỡ, nên xuyên qua lớp nhầy và ăn mòn niêm mạc gây loét.

· Toàn thân: do aspirin ức chế prostaglandin, làm cản trở sự đổi mới tế bào niêm mạc và ức chế sự sản xuất nhầy ở dạ dày và tá tràng.

- Các thuốc corticoid gây ức chế tổmg hợp prostaglandin

- Các thuốc kháng viêm không steroid: những thuốc kháng viêm này gây ức chế men cyclo -oxygenase (cần thiết cho sự tổng hợp prostaglandin từ acid Arachidonic), ngoài ra chúng còn làm gia tăng Leucotrien (là chất làm co mạch và gây viêm).

- Một số thuốc chống đông (heparin), kháng vitamin K làm giảm các yếu tố đông máu.

+ Viêm cấp chảy máu dạ dày do rượu: rượu tác dụng trực tiếp lên niêm mạc dạ dày gây viêm phù nề, xuất tiết và xuất huyết.

+ Viêm cấp chảy máu dạ dày do tăng ure máu: do làm viêm niêm mạc dạ dày và tăng tính thấm mao mạch.

+ Loét cấp chảy máu dạ dày do stress: stress làm tăng tiết HCl và giảm yếu tố bảo vệ cấp.

+ Ung thư dạ dày: chảy máu từ các mạch máu tân sinh nên thường chảy máu dai dẳng, tuy nhiên đôi khi ồ ạt.

+ Polip ở dạ dày tá tràng: do viêm làm chảy máu.

- Do bệnh lý ngoài ống tiêu hoá:

+ Xơ gan tăng áp lực tĩnh mạch cửa, gây giãn vỡ tĩnh mạch thực quản; trong trường hợp suy gan nặng làm giảm prothrombin và các yếu tố đông máu gây chảy máu.

+ Chảy máu đường mật: chủ yếu gặp ở bệnh nhân viêm loét đường mật, sỏi mật, giun chui ống mật. Cơ chế chảy máu ở đây là do viêm và tác nhân cơ học gây ra do giun và sỏi.

+ Chảy máu từ tụy: do sỏi hoặc do các nang tụy loét vào mạch máu.

+ Bệnh lý ở tủy xương gây rối loạn đông máu và chảy máu như: bệnh bạch cầu cấp, kinh, suy tủy xương, xuất huyết giảm tiểu cầu gây chảy máu kéo dài.

+ Các bệnh máu ác tính: gây viêm dạ dày và do các yếu tố stress làm chảy máu.

+ Tai biến do điều trị.

+ Do tăng huyết áp.

 

1.2.2. Xuất huyết tiêu hóa dưới

- Xuất huyết tiêu hoá dưới là máu chảy có nguồn gốc từ góc Treizt trở xuống.

- Chảy máu từ ruột non hiếm gặp, bao gồm các nguyên nhân sau: viêm túi thừa Meckel, bệnh Crohn, lồng ruột, u, bất thưòng mạch máu, huyết khối động mạch treo ruột

- Chảy máu từ đại trực tràng: là loại chảy máu thường gặp trong xuất huyết tiêu hóa thấp.

+ Viêm loét chảy máu ở trực tràng, đại tràng: chảy máu do viêm và loét vào các mạch máu.

+ Polip trực tràng đại trực tràng có viêm chảy máu: thường chảy máu từng đợt do viêm loét nhiễm trùng các polype.

+ Ung thư trực tràng, đại tràng: thường gặp ở người già.

+ Trĩ hậu môn: do vỡ hoặc viêm nhiễm vùng búi trĩ.

+ Lỵ trực trùng, lỵ amip: do tổn thương niêm mạc đại tràng.

 

1.3. Triệu chứng lâm sàng

1.3.1. Xuất huyết tiêu hóa trên

- Tiền triệu: bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa cao thường có cảm giác lợm giọng, buồn nôn và cồn cào vùng thượng vị.

- Nôn ra máu:

+ Máu tươi.

+ Máu bầm đen, máu cục.

+ Có lẫn thức ăn.

Số lượng và màu sắc chất nôn thay đổi tùy theo số lượng máu chảy, tính chất chảy máu và thời gian máu lưu giữ trong dạ dày.

- Đi cầu ra máu: nếu chảy máu ít thường không thể phát hiện được, phân chỉ có màu đà nâu; nếu chảy máu quá nhiều và cấp thì phân có thể có màu đỏ tươi hoặc máu bầm. Nhưng hay gặp nhất là đi cầu phân đen, mùi thối kham. Phân có đặc điểm:

+ Phân đen, lỏng.

+ Phân đen nhánh như bã cà phê.

+ Phân đen táo như nhựa đường.

- Có thể vừa nôn ra máu vừa ỉa phân đen. Có thể chỉ đi ngoài phân đen mà không có nôn ra máu.

- Nếu bệnh nhân nôn toàn máu tươi, máu cục hoặc đi cầu máu bầm thì chứng tỏ máu chảy rất nhiều.

- Tuy nhiên số lượng máu chảy ra không phản ánh hoàn toàn số lượng máu mất vì có thể máu chảy nhiều nhưng không nôn mà chảy xuống ruột và giữ ở đó.

- Tình trạng toàn thân phụ thuộc vào tình trạng mất máu nhiều hay ít. Sốc là tình trạng nặng nhất, do giảm thể tích máu đột ngột thường xuất hiện sau khi nôn ra máu nhiều hoặc sau ỉa phân đen, biểu hiện:

+ Da xanh tái vã mồ hôi.

+ Niêm mạc, môi, mặt trắng bệch.

+ Chân tay lạnh thở nhanh.

+ Mạch nhanh nhỏ khó bắt.

+ Huyết áp thấp và kẹp.

 

1.3.2. Xuất huyết tiêu hóa dưới

- Ỉa ra máu tươi, máu cục lẫn theo phân hoặc ra sau phân, có khi chảy thành tia khi đại tiện thường gặp trong bệnh trĩ, các tổn thương ở hậu môn.

- Ỉa ra máu tươi lẫn chất nhầy theo phân hoặc lẫn mủ.

- Tình trạng toàn thân phụ thuộc vào khối lượng máu mất nhiều hay ít như phần mất máu nặng đã nêu ở trên.

- Chảy máu tiêu hóa dưới thường chảy ít, mạn tính, hiếm khi chảy máu ồ ạt đưa đến tình trạng choáng.

 

1.4. Xét nghiệm cận lâm sàng

- Công thức máu: tỷ lệ hematocrit, số lương huyết sac tố, số lượng hồng cầu: thường phản ánh trung thực lượng máu mất, tuy nhiên phải sau 3-4 giờ.

- Nếu nghi ngờ xuất huyết tiêu hoá trên:

+ Cho soi thực quản, dạ dày, tá tràng cấp cứu.

+ Chụp X quang thực quản, dạ dày, tá tràng.

+ Làm các xét nghiệm chức năng gan, mật nếu nghi ngờ do xơ gan, do chảy máu đường mật.

- Nếu nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa dưới:

+ Xem phân để xác định tính chất của máu.

+ Xét nghiệm phân: cấy phân, ký sinh trùng đưòng ruột, máu ẩn.

- Thăm trực tràng, hậu môn.

- Soi trực tràng tìm các tổn thương đặc hiệu như: hình ấn móng tay, hình cúc áo gặp trong lỵ amip.

- Soi đại tràng ống mềm.

- Chụp X-quang khung đại tràng có thuốc cản quang.

 

1.5. Xử trí

- Hồi sức và hồi phục lại thể tích máu đã mất bằng cách truyền máu tươi theo khối lương máu đã mất.

- Xử trí nguyên nhân để tránh xuất huyết tái phát.

- Cầm máu tại chỗ qua nội soi.

- Nếu điều trị nội khoa tích cực không có kết quả phải chuyển sang ngoại khoa để phẫu thuật cầm máu.

 

2. CHĂM SÓC BỆNH NHÂN BỊ XUấT HUYÊT TIÊU HOÁ

2.1. Nhận định

2.1.1. Nhận định bằng cách hỏi bệnh

Đứng trước một bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa người điều dưỡng cần hỏi:

- Nôn ra máu hay đi ngoài ra máu?

- Nếu bệnh nhân nôn ra máu thì phải hỏi:

+ Trước khi nôn ra máu có uống thuốc gì không?

+ Máu tươi hay bầm đen?

+ Máu có lẫn thức ăn không?

+ Trước khi nôn ra máu có dấu hiệu báo trước gì không?

+ Số lương máu nôn ra và thời gian nôn ra máu như thế nào?

- Nếu bệnh nhân đi ngoài ra máu thì hỏi:

+ Bệnh nhân đi ngoài ra máu tươi từ bao giờ?

+ Tính chất của máu có ở phân: máu tươi hay máu cục?

+ Máu ra trước phân, cùng với phân, hay máu ra sau phân?

+ Máu có lẫnn chất nhầy hay mủ không?

+ Máu đen hay máu tươi?

+ Số lượng nhiều hay ít?

- Trước khi nôn ra máu, đi ngoài phân cã máu, có lao động nặng gì không?

- Có lo lắng gì không?

- Có sốt không?

- Có đau bụng khi nôn hoặc khi đại tiện không?

- Có bị bệnh lý dạ dày hay tá tràng không?

- Các thuốc đã sử dụng và các bệnh đã mắc trước đã.

 

2.1.2. Quan sát bệnh nhân, cần chú ý:

- Tình trạng tinh thần.

- Tình trạng toàn thân.

- Tính chất của chất nôn và phân.

- Tư thế chống đau.

 

2.1.3. Thăm khám bệnh nhân

- Lấy dấu hiệu sống: chú ý mạch và huyết áp.

- Khám bụng: chú ý vùng thượng vị.

- Thăm trực tràng nếu cã chỉ định.

- Xem xét các xét nghiệm nếu có.

 

2.1.4. Nhận định qua thu thập các dữ liệu khác

- Qua hồ sơ và các phiếu xét nghiệm.

- Sử dụng các thuốc và cách sử dụng thuốc.

- Qua gia đình bệnh nhân.

 

2.2. Chẩn đoán điều dưỡng

Môt số chẩn đoán điều dưỡng có thể có ở những bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa:

- Chóng mặt do mất máu.

- Chảy máu do loét dạ dày tá tràng.

- Lo lắng do tình trạng bệnh cấp và nặng.

- Chảy máu do viêm loét polyp trực tràng.

 

2.3. Lập kế hoạch chăm sóc

- Cho bệnh nhân nhịn ăn, nằm yên tĩnh trong 24 giờ đầu.

- Trấn an bệnh nhân.

- Thực hiện các y lệnh kịp thòi và chính xác.

- Theo dõi và phát hiện có tình trạng mất máu nặng.

- Hướng dẫn người nhà bệnh nhân cách theo dõi và chăm sóc.

 

2.4. Thực hiện kế hoạch chăm sóc

2.4.1. Chăm sóc cơ bản

- Bệnh nhân phải nằm tại giường, đầu không kê gối. Phòng nghỉ yên tĩnh.

- Động viên để bệnh nhân yên tâm, tránh lo lắng.

- Cho bệnh nhân thở oxy nếu tình trạng chảy máu nặng có choáng.

- Đặt catheter và truyền giữ mạch bằng nước muối đẳng trương.

- Đặt ống thông dạ dày tá tràng hút hết máu đông trong dạ dày, đồng thời theo dõi tình trạng chảy máu qua ống thông.

- Đi đại tiện tại giưòng để theo dõi tính chất phân.

- Khi hết nôn ra máu cho bệnh nhân án nhẹ: sữa, cháo, súp ...

 

2.4.2. Thực hiện y lệnh

- Thực hiện các thuốc cho bệnh nhân theo y lệnh một cách khẩn trương.

- Lấy máu xét nghiệm theo y lệnh, chụp X quang.

- Phụ giúp đặt catheter đo áp lực tĩnh mạch trung tâm khi có chỉ định.

 

2.4.3. Theo dõi bệnh nhân

- Lấy mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở 30 phút một lần nếu bất thường báo bác sĩ xử trí kịp thời.

- Theo dõi tình trạng tinh thần của bệnh nhân.

- Đo lượng nước tiểu để phát hiện triệu chứng thiểu niệu hoặc vô niệu.

- Theo dõi tình trạng nôn và tính chất của chất nôn.

- Theo dõi tình trạng đau bụng và tính chất của phân (màu sắc, số lần, số lượng máu và phân của bệnh nhân).

- Theo dõi việc sử dụng thuốc.

- Theo dõi tình trạng toàn thân để phát hiện sớm tình trạng mất máu (da niêm mạc nhợt, mạch nhanh, huyết áp thấp, chóng mặt...).

 

2.4.4. Giáo dục sức khoẻ

- Phòng và tránh bị bệnh bằng cách lao động, nghỉ ngơi hợp lý, tránh lo lắng.

- Không nên uống rượu, cà phê nhiều.

- Sử dụng các thuốc kháng viêm hợp lý và đúng cách.

- Phát hiện sớm các bệnh lý ở đường tiêu hoá và điều trị triệt để.

- Phát hiện sớm các dấu hiệu xuất huyết tiêu hoá và tích cực điều trị.

 

2.5. Đánh giá quá trình chăm sóc

Đối với bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa được đánh giá chăm sóc tốt khi:

- Bệnh nhân được nghỉ ngơi yên tĩnh, an tâm điều trị

- Tình trạng chảy máu giảm hoặc mất.

- Các dấu hiệu sống ổn định.

- Lượng nước tiểu tăng lên.

- Bệnh nhân được cho ăn, uống theo chế độ hợp lý.

- Nguyên nhân gây xuất huyết được giải quyết.

- Thực hiện các y lệnh của bác sĩ khẩn trương, đầy đủ, chính xác.

- Khi ra viện, bệnh nhân được hướng dẫn cách phát hiện sớm nhất tình trạng xuất huyết tiêu hoá và các nguyên nhân có thể gây xuất huyết tiêu hoá.

 

TỰ LƯỢNG GIÁ

1. Trình bày nguyên nhân của xuất huyết tiêu hoá trên.

2. Đánh dấu X vào câu trả lời đúng.

2.1. Chăm sóc bệnh nhân xuất huyết tiêu hoá trên:

A. □ Cho bệnh nhân nằm đầu cao

B. □ Lấy mạch, nhiệt độ, huyết áp 2 giò một lần

C. □ Không cho bệnh nhân ăn uống gì ngay cả khi đã cầm máu

D. □ Đo lượng nước tiểu để phát hiện thiểu hoặc vô niệu

2.2. Những nguyên nhân hay gặp đối với những bệnh nhân xuất huyết tiêu hoá trên

A. □ Polip trực tràng đại trực tràng có viêm chảy máu

B. □ Ung thư dạ dày

C. □ Ung thư trực tràng, đại tràng.

D. □ Loét dạ dày tá tràng

E. □ Viêm loét chảy máu ở trực tràng, đại tràng

3. Chọn câu trả lời đúng nhất

3.1. Dấu hiệu thay đổi sớm nhất khi theo dõi bệnh nhân xuất huyết tiêu hóa:

a. Mạch

b. Huyết áp

c. Nhịp thở

d. Màu sắc da

e. Nước tiểu

3.2. Khi nhận định một bệnh nhân choáng mất máu trong trường hợp xuất huyết tiêu hóa, triệu chứng nào sau đây Không đúng:

a. Da xanh tái vã mồ hôi       

b. Chân tay lạnh

c. Nhịp thở nhanh

d. Mạch nhanh nhỏ khó bắt

e. Huyết áp cao 


* Trong Quyển sách Điều dưỡng nội tập 2, có 22 bài chăm sóc sẽ được cập nhật đầy đủ. Tài liệu là sách đã cũ, Blog Vn Chia sẻ chỉ cập nhật bài viết nguyên bản chưa cập nhật mới về các số liệu. Hy vọng chỉ giúp các bạn về kiến thức nền cơ bản. Chúng ta cần tìm hiểu bài trên mục lục hãy chọn vào tên bài, sẽ chuyển đến bài chăm sóc cần đọc.


* Đọc thêm:

Điều dưỡng nội tập 1.

Điều dưỡng nội tập 2.

- Phác đồ điều trị bệnh tim mạch năm 2018

 


Share:

ĐIỀU DƯỠNG CHĂM SÓC BỆNH NHÂN UNG THƯ GAN GIAI ĐOẠN CUỐI - ĐIỀU DƯỠNG NỘI KHOA TẬP 2

  



Bệnh nhân ung thư gan trong bài có tỷ lệ sống sau 5 năm rất thấp. Vì vậy khi người bệnh vào viện vai trò của người điều dưỡng rất qua  trọng về điều trị, chăm sóc và nâng đỡ cho bệnh nhân. Hỗ trợ về mặt thể chất, tâm lý, tình cảm và tinh thần cho bệnh nhân và thân nhân.

Chúng ta cùng tìm hiểu về bài chăm sóc người bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. Bài chăm sóc giúp điều dưỡng có tài liệu học tập và nghiên cứu:

 

Bài 15

CHĂM SÓC BỆNH NHÂN UNG THƯ GAN GIAI ĐOẠN CUỐI

 

MỤC TIÊU

 

1. Trình bày được các triệu chứng lâm sàng của ung thư gan giai đoạn cuối

2. Điều dưỡng thể hiện được thái độ đúng đắn khi chăm sóc bệnh nhân

3. Lập được kế hoạch chăm sóc bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối

 

1. BỆNH HỌC VỀ UNG THƯ GAN

1.1. Đại cương

Ung thư gan đứng hàng thứ 4 trong các loại ung thư trên thế giới. Ở Trung Quốc, Đông nam Á: đứng hàng đầu ở nam giới. Ở miền bắc Việt Nam: đứng thứ 3 trong các loại ung thư. Ở thành phố Hồ Chí Minh: đứng hàng đầu ở nam và thứ 5 ở nữ. Ở Đông Nam Á: có tần suất cao, liên quan với nhiễm virut viêm gan B. Tiên lượng xấu, tỷ lệ sống sót sau 5 năm dưới 3%. Các thể tổ chức học thường gặp là:

- Ung thư biểu mô tế bào gan (hepato-cellular carcinoma)

- Ung thư biểu mô đường mật (cholangio-cellular carcinoma).

- Các loại khác: ung thư nguyên bào gan, Angiosarcome

 

1.2. Bệnh nguyên và yếu tố nguy cơ

1.2.1. Virut viêm gan B

- Tần suất ung thư gan ở người mang HBsAg (+) cao hơn 200 lần so với người có HBsAg (-).

- Protein X trên genome virut B có lẽ có vai trò trong đột biến gây ung thư.

- Vùng dịch tễ nhiễm virut viêm gan B cao thì cũng có tần suất ung thư gan cao.

- Gây ung thư gan qua 2 cơ chế: trực tiếp và gián tiếp qua trung gian xơ gan.

 

1.2.2. Virut viêm gan C

- Các nghiên cứu về sinh học phân tử, sử dụng RT-PCR đã cho phép phát hiện ARN của virut C trong 50-70% huyết thanh và trong 55-100% tổ chức gan ở những bệnh nhân ung thư biểu mô tế bào gan (UTBMTBG) và HbsAg (-).

- 90% ung thư gan liên quan với virut C xuất hiện trên một nền gan xơ.

- Những bệnh nhân ung thư gan có Anti-HCV dương tính (có hoặc không có HBsAg) thường có các thương tổn gan nặng hơn so với những bệnh nhân chỉ có HBsAg dương tính và gan thường có nhiều khối u hơn.

 

1.2.3. Xơ gan

Do bất kỳ nguyên nhân nào.

 

1.2.4. Aflatoxin B1

- Độc tố nấm mốc (Aspergillus), thường gặp trong đậu phụng mốc, được chứng minh là chất gây ung thư gan ở chuột, gia cầm.

- Vai trò sinh ung thư có lẽ qua trung gian chất chuyển hóa là Epoxide gắn vào các acid nucleic và thay đổi sự sao mã ADN.

- Một số tác giả cho rằng Aflatoxine chỉ ức chế miễn dịch qua trung gian tế bào và tạo thuận lợi cho nhiễm HBV tiến triển.

- Tương tác với protein 53 đột biến.

 

1.2.5. Các yếu tố khác

- Rượu: có lẽ thúc đẩy quá trình sinh ung thư.

- Nội tiết tố nam androgen, thuốc ngừa thai uống.

- Hóa chất (Thorotrast).

- Ký sinh trùng (Schistosoma japonicum, Sch. mansoni, clonorchis sinensis).

- Thiếu alpha 1-antitrypsin

- Nhiễm huyết thiết tố (Hémechromatose), hội chứng Budd-Chiari.

 

1.3. Lâm sàng

- Đau bụng: thường gặp, cảm giác nặng tức hạ sườn phải, lan sau lưng, hiếm khi đau dữ dội.

- Rối loạn tiêu hóa: chán án, buồn nôn, nôn, đi chảy.

- Sốt: liên tục, dao động.

- Gầy sút: rõ ở giai đoạn muộn.

- Gan lớn: nhìn thấy hoặc sò thấy dưới bò sườn phải, cứng, bề mặt không đều, đau nhiều hoặc ít, có khi cố định không di động theo nhịp thở. Có khi gan lớn vượt quá đường giữa.

- Vàng da: chủ yếu do chèn ép đường mật trong gan.

- Cổ trướng: ít hoặc nhiều, có thể gặp báng máu, tái tạo nhanh sau chọc tháo.

- Nghe: tiếng thổi trên vùng gan.

 

1.4. Cận lâm sàng

1.4.1. Xét nghiệm

- Công thức máu: thiếu máu, cá biệt có khi có đa hồng cầu.

- Tốc độ lắng máu tăng.

- Chức năng gan: chỉ rối loạn trong ung thư gan trên nền xơ gan hoặc khi khối u chiếm trên 75% thể tích gan. Enzyme phosphatase kiềm, gamma GT, 5 Nucléotidase, Alpha-2 globulin, SGOT thường cao hơn SGPT, Fibrinogen táng, giảm đường máu.

- Các chất chỉ điểm ung thư:

+ Alpha Foeto Protein (AFP): là một glycoprotein do gan phổi sản xuất, giảm 3 tuần sau sinh, nồng độ ở người trưởng thành khoảng 4-10 ng/ml.

· Khi Alpha Foeto Protein > 1000 ng/ml: chắc chắn ung thư gan nguyên phát.

· Tăng nhẹ trong u quái buồng trứng, tinh hoàn, một số ung thư tiêu hóa, viêm gan hoại tử.

+ AFP có ái lực Lectin (AFP-L3) mới được tìm ra, đặc hiệu hơn AFP nhưng kỹ thuật xét nghiệm phức tạp.

+ Nếu không có điều kiện định lượng, có thể định tính AFP bằng phương pháp miễn dịch khuếch tán (Ouchterlony).

+ DCP (Descarboxy Prothrombin hay PIVKA-II): dương tính ở 70% bệnh nhân ung thư gan nguyên phát và khoảng 50% ở những bệnh nhân ung thư gan có AFP bình thường.

+ Alpha L-Fucosidase: enzym này tăng cao trong ung thư gan nguyên phát, với độ đặc hiệu 90% và độ nhạy khoảng 75%, cũng tăng trong u gan lành tính.

 

1.4.2. Thăm dò hình ảnh

1.4.2.1. Siêu âm

- Một hoặc nhiều khối (nodule) trong gan.

- Echo giàu, nghèo, hỗn hợp, dạng khảm.

- Xô đẩy mạch máu, đưòng mật, viền giảm âm chung quanh.

- Tăng sinh mạch máu trong u, thường có huyết khối trong tĩnh mạch cửa.

- Hướng dẫn chọc hút, sinh thiết.

 

1.4.2.2. Chụp cắt lớp tỷ trọng

Một hoặc nhiều khối giảm đậm độ (hypodense), bắt thuốc không đều, giúp hướng dẫn chọc hút, sinh thiết.

 

1.4.2.3. Chụp động mạch

Xét nghiệm cơ bản tiền phẫu, giúp xác định vị trí, tưới máu, khả năng cắt bỏ u.

 

1.4.3. Giải phẫu bệnh

1.4.3.1. Sinh thiết

Sinh thiết dưới sự hướng dẫn của siêu âm, CT-scan hoặc soi ổ bụng. Sinh thiết: chính xác nhưng dễ chảy máu.

 

1.4.3.2. Chọc hút kim nhỏ

Ít biến chứng, nhưng độ chính xác và độ nhạy thấp hơn sinh thiết.

 

1.5. Tiến triển và biến chứng

1.5.1. Tiến triển

Thường nặng, tiên lượng xấu, tử vong 6-12 tháng.

 

1.5.2. Các biến chứng

- Báng ung thư.

- Vàng da do chèn ép đường mật trong gan.

- Xuất huyết: Xuất huyết tiêu hóa cao, xuất huyết vào phúc mạc do vỡ nhân ung thư.

- Chèn ép tĩnh mạch: trên gan hoặc tĩnh mạch chủ dưới.

- Di căn: trong gan, phổi, màng phổi, xương, hạch, não.

 

2. CHĂM SÓC BỆNH NHÂN UNG THƯ GAN GIAI ĐOẠN CUỐI

- Bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối khi vào bệnh viện có thể chết đột ngột. Trách nhiệm đầu tiên của người điều dưỡng trong việc chăm sóc bệnh nhân là tạo sự thoải mái tới mức có thể đáp ứng các nhu cầu về mặt tình cảm của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Việc chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối cũng quan trọng như chăm sóc bệnh nhân đang hồi phục.

- Mục đích của chăm sóc bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối là phối hợp về điều trị, chăm sóc và nâng đỡ cho bệnh nhân. Hỗ trợ về mặt thể chất, tâm lý, tình cảm và tinh thần cho bệnh nhân và thân nhân.

- Điều dưỡng viên đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao sức mạnh thể chất và tinh thần cho người bệnh.

 

2.1. Nhận định

Đứng trước một bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối, người điều dưỡng cần xác định các triệu chứng và biến chứng gây ra đau đớn, khó chịu cho người bệnh.

 

2.1.1. Nhận định qua hỏi bệnh nhân

- Bệnh nhân có tiền sử viêm gan virus hay nghiện rượu không?

- Cảm giác nặng tức hạ sườn phải, lan sau lưng hay không? Đau nhức các nội tạng khác hoặc xương trong trường hợp có di căn. Đau có giảm khi dùng các thuốc giảm đau thông thường không?

- Chán ăn, buồn nôn, nôn, đi chảy không?

- Bệnh nhân có triệu chứng sốt trước khi vào viện hay không?

- Có sụt cân nhiều trong thời gian gần đây không?

 

2.1.2. Quan sát

- Da, mắt có vàng không?

- Bụng có chướng không?

- Bệnh nhân có chảy máu chân răng, chảy máu cam, chảy máu dưới da không?

- Gầy, sút cân thưòng rõ trong ung thư gan giai đoạn cuối.

 

2.1.3. Thăm khám bệnh nhân

Ngoài các dấu chứng cơ năng do hỏi bệnh và quan sát được. Khám thường phát hiện gan lớn, đau, vàng da, báng. Lấy dấu hiệu sống.

Bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối thường có các dấu chứng khác kèm theo như: buồn nôn và nôn, xuất huyết tiêu hóa, táo bón, ăn uống kém, tưa miệng do nấm candida, lo âu, cảm giác mất mát, trầm cảm, lú lan, mê sảng, co giật.

Bên cạnh các dấu hiệu trên cần tìm hiểu các triệu chứng sinh học như thiếu máu, hạ đường huyết, các chức năng gan bị rối loạn ...

 

2.2. Chẩn đoán điều dưỡng

Một số chẩn đoán chính có thể có đối với bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối

- Táo bón do nằm lâu.

- Đau do chèn ép.

- Suy dinh dưỡng do ăn kém.

- Lo lắng do tình trạng bệnh nặng.

- Nguy cơ nhiễm trùng do suy giảm miễn dịch và suy dinh dưỡng.

- Nguy cơ xuất huyết do vỡ nhân ung thư.

 

2.3. Lập kế hoạch chăm sóc

2.3.1. Những biện pháp chung

- Làm giảm hay ngăn ngừa triệu chứng.

- Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, chăm sóc toàn diện.

- Chế độ ăn lỏng, dễ tiêu. Đảm bảo năng lượng và vitamin.

- Hạn chế muối khi có phù, cổ trướng.

- Vệ sinh răng miệng và vệ sinh thân thể cho bệnh nhân.

 

2.3.2. Lập kế hoạch thực hiện các y lệnh

- Cho bệnh nhân uống thuốc và tiêm thuốc theo chỉ định.

- Làm các xét nghiệm theo yêu cầu.

- Thực hiện y lệnh chính xác kịp thời.

- Chuẩn bị bệnh nhân, dụng cụ, thuốc men, phụ giúp thầy thuốc chọc hút dịch màng bụng khi có chỉ định.

 

2.3.3. Lập kế hoạch theo dõi

- Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở và cân nặng.

- Vị trí đau, hướng lan.

- Các dấu chứng hôn mê gan.

- Dấu xuất huyết.

- Diễn biến của bệnh.

- Tác dụng và cách dùng môt số thuốc thông thường sử dụng ở giai đoạn cuối.

 

2.3.4. Giáo dục sức khỏe

- Hướng dẫn bệnh nhân tự phục vụ bản thân.

- Hướng dẫn gia đình bệnh nhân chăm sóc, giúp đỡ người bệnh.

- Thân nhân người bệnh nên kết hợp với điều dưỡng viên ghi chép, theo dõi bảng theo dõi sử dụng thuốc.

- Thân nhân người bệnh cần biết nguyên nhân ung thư gan và tầm quan trọng của vấn đề ngăn ngừa viêm gan siêu vi.

 

2.4. Thực hiện kế hoạch chăm sóc

2.4.1. Chăm sóc cơ bản

- Khi tiếp cận người nhà bệnh nhân người điều dưỡng phải luôn nhẹ nhàng, lịch sự, nhã nhặn và thông cảm với họ.

- Trọng tâm của chăm sóc bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối là làm giảm đau và các triệu chứng khác, làm cho bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn. Việc làm giảm hay ngăn ngừa triệu chứng có ý nghĩa và đem lại sự an lành cho bệnh nhân giai đoạn cuối.

- Chăm sóc về tinh thần:

+ Tôn trọng và đáp ứng những nhu cầu về mặt tình cảm của bệnh nhân tuân theo tôn giáo và những yêu cầu của bệnh nhân.

+ Ở giai đoạn cuối cùng của cuộc đời, bệnh nhân thường cảm thấy cô đơn tuyệt vọng, do vậy người điều dưỡng phải thường xuyên ở bên cạnh bệnh nhân để động viên và giúp đỡ họ.

+ Giúp đỡ bệnh nhân ổn định về mặt tâm lý, sinh lý và tinh thần.

+ Đảm bảo cho bệnh nhân và thân nhân không bị đơn độc trong giai đoạn cuối.

- Đối với thân nhân: Phải tôn trọng và đáp ứng những nhu cầu về mặt tình cảm của thân nhân khi họ đến thăm bệnh nhân (trong điều kiện cho phép). Khi gia đình bệnh nhân hỏi về những vấn đề chuyên môn, người điều dưỡng có thể trả lời trong phạm vi cho phép. Khi chăm sóc bệnh nhân điều dưỡng viên thông báo và giải thích cho thân nhân về việc mình cần làm và yêu cầu gia đình bệnh nhân ra ngoài. Người nhà đến thăm và ở lâu với bệnh nhân, điều dưỡng hướng dẫn, giúp đỡ họ nơi ăn ở, các điều kiện sinh hoạt.

+ Chuyển bệnh nhân đến phòng riêng, tránh gây ồn ào, tiện cho việc chăm sóc và không ảnh hưởng đến bệnh nhân khác.

- Chế độ ăn uống:

+ Thức ăn lỏng, dễ tiêu, ăn nhạt khi có cổ trướng, hạn chế lipid, ăn tăng glucid và protein.

+ Theo dõi lượng nước vào ra bằng cách theo dõi lượng nước uống vào và đo lượng nước tiểu 24 giờ.

- Ở giai đoạn cuối bệnh nhân mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, miệng bị khô, đỏ hoặc phỏng rộp lưỡi. Do đó, cần chăm sóc miệng thường xuyên (2 giờ /1 lần), kiểm tra tưa miệng, hướng dẫn kỹ thuật súc miệng và khuyến khích uống nhiều nước (nếu bệnh nhân không có cổ trướng, suy thận).

- Chăm sóc điều dưỡng rất quan trọng ở giai đoạn cuối. Đôi khi còn hiệu quả hơn dùng thuốc. Bệnh nhân lúc này rất yếu do nằm bất động quá lâu nên thường bị loét, táo bón, chán ăn, đau, buồn nôn và trầm cảm.

- Ở bệnh nhân nằm lâu môt tư thế, làm đau và co cứng cơ nên cần thay đổi gối kê, xoa bóp và nếu được cho ra khỏi giường trong môt thời gian ngắn.

- Dù bất cứ nguyên nhân nào, cảm giác đau chịu tác động của nhiều yếu tố phối hợp. Đau cũng sẽ tăng lên khi lo lắng, trầm cảm, cô đơn... và các triệu chứng khác như táo bón. Đau sẽ giảm nhờ vào giải trí, thư giãn, bình thản và tình thân hữu.

- Công tác chính của điều dưỡng viên khi thăm bệnh là làm vệ sinh cá nhân cho bệnh nhân hàng ngày, đây là cơ hội để nhận định tình trạng bệnh nhân tiến triển tốt hay xấu đi để kịp thời thông báo cho bác sĩ.

- Chăm sóc khi có biến chứng chảy máu tiêu hóa:

+ Cho bệnh nhân nằm nghỉ tuyệt đối tại giường, đầu thấp, gối mỏng dưới vai, kê chân cao.

+ Tạm ngừng cho bệnh nhân ăn bằng đường miệng.

+ Ủ ấm cho bệnh nhân.

+ Phụ giúp thầy thuốc đặt cathete theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm.

+ Truyền dịch, truyền máu khẩn trương theo y lệnh.

- Đề phòng hôn mê gan:

+ Đặt ống thông hút hết máu còn ứ đọng trong dạ dày, sau đó rửa dạ dày bằng nước lạnh.

+ Thụt tháo phân để lọai trừ nhanh chóng máu đã xuống ruột.

+ Hạn chế các yếu tố làm dễ: nhiễm trùng, xuất huyết, rối loạn nước điện giải.

-         Tận tình chăm sóc cứu chữa bệnh nhân đến phút cuối.

 

2.4.2. Thực hiện y lệnh

- Thuốc: thực hiện đúng qui trình, kỹ thuật, thực hiện chính xác kịp thời chỉ định của bác sĩ.

- Thực hiện các xét nghiệm.

- Nếu có chỉ định của bác sĩ, điều dưỡng viên có thể thăm khám trực tràng và thụt tháo cho bệnh nhân.

- Tiến hành khẩn trương mọi y lệnh, đồng thời tìm mọi cách để làm giảm sự đau khổ của bệnh nhân.

- Mọi công việc thực hiện một cách nhẹ nhàng, nhanh gọn, có hiệu quả, tránh để thân nhân nghĩ là điều dưỡng thờ ơ với bệnh nhân khi họ sắp chết.

- Dựa vào việc cho bệnh nhân dùng thuốc và theo dõi, điều dưỡng có thể báo bác sĩ thay đổi thuốc nếu cần.

 

2.4.3. Thực hiện kế hoạch theo dõi

- Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở và cân nặng.

- Các dấu chứng hôn mê gan.

- Dấu xuất huyết.

- Vị trí đau, hướng lan.

- Các triệu chứng khác như: buồn nôn và nôn, xuất huyết tiêu hóa, táo bón, ăn uống kém, tưa miệng, lo âu, cảm giác mất mát, trầm cảm, lú lẫn, mê sảng, co giật...

- Theo dõi tác dụng và cách dùng một số thuốc thông thường được sử dụng ở giai đoạn cuối.

- Các xét nghiệm: công thức máu, VS, chức năng gan, chức năng thận ...

- Tác dụng phụ của thuốc: tác dụng phụ của morphin: buồn nôn, chóng mặt, lú lẫn, táo bón, co giật. Có thể làm giảm tác dụng phụ bằng cách giảm liều hoặc cho thuốc chống nôn và chế độ ăn chống táo bón.

- Theo dõi các dấu chứng hôn mê gan:

+ Theo dõi sự thay đổi tính tình: bệnh nhân đang vui rồi lại buồn, thờ ơ.

+ Bệnh nhân có những biểu hiện rối loạn về trí nhớ.

+ Mất phương hướng về thời gian, không gian, mất khả năng tập trung tư tưởng.

+ Bàn tay run do rối loạn trương lực cơ.

- Khi có dùng bơm tiêm tự động, điều dưỡng phải theo dõi nơi tiêm để phát hiện sớm tắc nghẽn hay có dấu hiệu nhiễm trùng.

- Trong trường hợp bệnh nhân đái dầm, có thể dùng các loại vải trải giưòng thấm hút hoặc giường bằng nhựa, dẫn lưu.

 

2.4.4. Giáo dục sức khỏe

- Hướng dẫn bệnh nhân tự phục vụ bản thân.

- Hướng dẫn gia đình bệnh nhân kỹ thuật chăm sóc, giúp đỡ người bệnh, để họ tự tin và có khả năng chăm sóc bệnh nhân một cách độc lập. Mối quan hệ thân mật giữa người bệnh và điều dưỡng giúp cho người bệnh niềm tin để xua đi nỗi lo lắng và nỗi thất vọng.

- Thân nhân người bệnh nên kết hợp với điều dưỡng viên ghi chép, theo dõi bảng theo dõi sử dụng thuốc.

- Để giảm nguy cơ gây táo bón, điều dưỡng có thể hướng dẫn cách thụt tháo nhẹ cho người chăm sóc.

- Thân nhân người bệnh cần biết nguyên nhân ung thư gan và dự phòng ung thư gan chủ yếu dựa vào tiêm chủng phòng virut viêm gan B và điều trị các bệnh viêm gan mạn do virut.

 

2.5. Đánh giá

Việc chăm sóc bệnh nhân có hiệu quả khi đảm bảo các vấn đề sau:

- Bệnh nhân ăn thấy ngon miệng và không sụt cân.

- Bệnh nhân được yên tâm, thoải mái khi nằm viện và có sự hiểu biết nhất định về bệnh.

- Bệnh nhân được chăm sóc toàn diện, không có tai biến do quá trình điều trị.

- Đánh giá chức năng gan và thận ảnh hưởng như thế nào đến sự hấp thu, chuyển hóa và bài tiết của các loại thuốc và hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc.

- Dựa vào xét nghiệm máu, cân bằng kiềm toan, chức năng gan, đường máu, chức năng thận, huyết sắc tố, siêu âm và X-quang để so sánh với các kết quả lần trước, để theo dõi diễn tiến của bệnh.

- Vai trò người điều dưỡng là chăm sóc, giáo dục, động viên, an ủi cho bệnh nhân và gia đình phát hiện sớm các triệu chứng, theo dõi diễn tiến của bệnh để có kế hoạch chăm sóc và điều trị tốt hơn.

 

LƯỢNG GIÁ

1. Nêu các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của ung thư gan.

2. Nêu các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng của ung thư gan.

3. Trình bày quy trình điều dưỡng bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối.

4. Các nguyên nhân gây ung thư gan, ngoại trừ:

a. Virus viêm gan B

b. Virus viêm gan C

c. Virus HIV

d. Xơ gan

e. Aflatoxin B1

5. Đánh dấu x ở những câu đúng

Theo dõi bệnh nhân ung thư gan giai đoạn cuối, gồm:

A. □ Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở và cân nặng

B. □ Theo dõi các dấu chứng hôn mê gan

C. □ Theo dõi dấu hiệu xuất huyết

D. □ Theo dõi vị trí đau, hướng lan

E. □ Theo dõi các triệu chứng khác như: buồn nôn và nôn, xuất huyết tiêu hóa, táo bón, án uống kém, tưa miệng, lo âu, cảm giác mất mát, trầm cảm, lú lẫn, mê sảng...

F. □ Theo dõi diễn biến của bệnh


* Trong Quyển sách Điều dưỡng nội tập 2, có 22 bài chăm sóc sẽ được cập nhật đầy đủ. Tài liệu là sách đã cũ, Blog Vn Chia sẻ chỉ cập nhật bài viết nguyên bản chưa cập nhật mới về các số liệu. Hy vọng chỉ giúp các bạn về kiến thức nền cơ bản. Chúng ta cần tìm hiểu bài trên mục lục hãy chọn vào tên bài, sẽ chuyển đến bài chăm sóc cần đọc.


* Đọc thêm:

Điều dưỡng nội tập 1.

Điều dưỡng nội tập 2.

- Phác đồ điều trị bệnh tim mạch năm 2018

 

Share:

BÀI MỚI

BÀI PHỔ BIẾN

MÁY TÍNH

TÀI LIỆU

GIẢI TRÍ

THÔNG TIN THUỐC

ĐĂNG KÝ EMAIL ĐỌC BÀI MỚI

Name

Email *

Message *

Tất cả bài đăng