Blog Vn Chia sẻ

ĐIỀU DƯỠNG CHĂM SÓC BỆNH NHÂN CHẠY THẬN NHÂN TẠO CHU KỲ - ĐIỀU DƯỠNG NỘI KHOA TẬP 2

 



Bài 7

CHĂM SÓC BỆNH NHÂN CHẠY THẬN NHÂN TẠO CHU KỲ

 

 

MỤC TIÊU

 

1. Trình bày được chỉ định, chống chỉ định, tai biến khi chạy thận nhân tạo

2. Lập được qui trình chăm sóc bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ

 

1. THẬN NHÂN TẠO

1.1. Định nghĩa

Thận nhân tạo là một biện pháp điều trị dùng màng lọc bán thấm để thay thế thận suy, nhằm:

- Lọc sạch các sản phẩm giáng hóa nội sinh bị tích tụ trong máu gây độc hại cho cơ thể khi suy thận. Quan trọng nhất là các nitơ phi protein: ure, creatinin, acid uric...

- Điều chỉnh toan máu.

- Điều chỉnh rối loạn các chất điện giải, rút dịch phù.

- Loại bỏ các độc chất từ ngoài vào như trong ngộ độc thuốc ngủ bacbiturat.

 

1.2. Các nguyên lý được ứng dụng để chạy thận nhân tạo

- Muốn lọc máu cho bệnh nhân suy thận, người ta phải thiết lập một hệ thống: một bên là máu cơ thể, một bên là dịch lọc gần giống dịch ngoài tế bào, ở giữa có màng lọc bán thấm ngăn cách. Màng lọc không cho những chất có phân tử lớn như protein đi qua. Các chất có kích thước bé được lọc qua màng để loại bỏ khỏi máu dựa trên cơ sở 4 nguyên lý sau đây.

- Khuyếch tán phân biệt: các chất như ure, creatinin, kali, natri... được khuyếch tán qua màng theo chênh lệch nồng độ, chất có nồng độ trong máu cao sẽ khuyếch tán qua màng vào khoang dịch lọc và ngược lại. Ví dụ: urê máu cao, dịch lọc không có urê. Urê sẽ khuyếch tán từ máu ra dịch lọc và được loại ra khỏi cơ thể theo dịch lọc.

- Thẩm thấu: giữa dịch lọc và máu nồng độ nước ngang nhau do đó không có khuyếch tán phân biệt. Để rút nước cho bệnh nhân phù người ta pha nhiều glucose vào dịch lọc nhằm tăng nồng độ thẩm thấu của dịch lọc cao hơn trong máu. Nước từ máu sẽ thẩm thấu qua màng ra dịch lọc theo nguyên lý thẩm thấu và được loại bỏ theo dịch lọc ra khỏi cơ thể.

- Siêu lọc: nước và các chất được đẩy qua màng lọc nhờ thiết bị làm tăng áp lực lọc của máu đi qua bộ lọc nhân tạo.

- Hấp thu: chất cần lọc được hấp thu khi máu qua bộ lọc có chứa chất hấp thụ.

 

1.3. Các kỹ thuật lọc máu

- Trên cơ sở ứng dụng 4 nguyên lý trên, cho đến nay có 3 kỹ thuật chính trong chạy thận nhân tạo:

+ Thẩm thấu máu nhân tạo (haemodialysis)

+ Siêu lọc máu (haemofiltration)

+ Hấp thụ máu (haemoperfusion).

- Dung dịch để chạy thận nhân tạo:

+ Na: 138 mEq/l  Cl: 107 mEq/l     K: 0-1 mEq/l

+ Acetat: 38 mEq/l        Ca: 3 mEq/l Glucoza 1-2 g/l

+ Mg: 1,5 mEq/l

- Kỹ thuật đưa máu ra ngoài cơ thể:

+ Shunt động -tĩnh mạch: nay ít dùng vì thường bị nhiễm trùng và tắc đông máu trong ống shunt.

+ Lỗ thông động -tĩnh mạch ngoại vi: máu động mạch chảy vào tĩnh mạch làm cáng tĩnh mạch dễ tiêm chọc. Phương pháp này thường được dùng nhất để chạy thận nhân tạo chu kỳ.

 

1.4. Chỉ định và chống chỉ định trong chạy thận có chu kỳ

1.4.1. Chỉ định

- Bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối (giai đoạn 3,4). Mỗi tuần chạy thận 2-3 lần, mỗi lần 5-6 giờ.

- Chuẩn bị cho vấn đề ghép thận.

 

1.4.2. Chống chỉ định

Chỉ là tương đối, phải dè dặt khi bệnh nhân có:

- Sốc, huyết áp thấp.

- Suy tim nặng, tràn dịch màng tim.

- Rối loạn đông máu không phải do urê máu cao.

- Tuổi cao trên 70, thể trạng bệnh nhân quá yếu.

- Xơ gan, ung thư.

 

1.5. Biến chứng và tiên lượng

1.5.1. Biến chứng

- Tràn dịch màng tim.

- Nhiễm khuẩn máu, viêm gan virus.

- Suy tim.

- Rối loạn nước điện giải.

- Tai biến do kỹ thuật.

 

1.5.2. Tiên lượng

Nếu kỹ thuật tốt và chỉ định đúng thì:

- 10 % chết trong năm đầu.

- 5% chết trong năm thứ 2.

- Có khả năng kéo dài đời sống trong 5-10 năm.

 

2. CHĂM SÓC BỆNH NHÂN CHẠY THẬN CHU KỲ

2.1. Nhận định

Đối với bệnh nhân có chỉ định chạy thận chu kỳ, người điều dưỡng cần nhận định về nhu cầu được chăm sóc của bệnh nhân trước, trong và sau khi chạy thận để có kế hoạch chăm sóc thích hợp, hạn chế tối đa các tai biến trong quá trình chạy thận.

 

2.1.1. Nhận định qua hỏi bệnh nhân

- Bệnh nhân đã được chẩn đoán suy thận mạn từ bao giờ?

- Thời gian suy thận mạn trong bao lâu?

- Đã chạy thận chu kỳ lần nào chưa?

- Các tai biến của các lần chạy thận trước.

- Tiền sử suy tim, xơ gan.

- Nguyên nhân gây suy thận mạn.

 

2.1.2. Quan sát bệnh nhân

- Thể trạng chung: có quá gầy yếu không?

- Tinh thần của bệnh nhân?

- Tình trạng phù?

- Số lượng nước tiểu: ít hoặc vô niệu?

- Có buồn nôn và nôn không?

- Tình trạng hô hấp và hơi thở.

- Các dấu hiệu về da, niêm mạc.

- Tình trạng đi cầu và tính chất phân

 

2.1.3. Khám bệnh nhân

Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng để xác định bệnh nhân đang có suy thận giai đoạn cuối, có chỉ định chạy thận nhân tạo có chu kỳ.

- Lấy dấu hiệu sống.

- Khám phổi: nhịp, kiểu thở, các tiếng bất thường...

- Khám tim: nhịp tim, tiếng tim bệnh lý.

- Khám bụng: tình trạng báng...

 

2.1.4. Thu nhận thông tin

- Kiểm tra các dấu hiệu sống.

- Đo số lượng nước tiểu.

 

2.2. Chẩn đoán điều dưỡng

Qua khai thác các triệu chứng ở trên một số chẩn đoán có thể có ở bệnh nhân suy thận mạn.

- Da và niêm mạc nhợt nhạt do thiếu máu.

- Nôn và buồn nôn do tăng ure máu.

- Số lượng nước tiểu giảm do giảm chức năng lọc cầu thận.

- Tăng thể tích dịch do ứ nước và muối.

- Nguy cơ phù phổi cấp do ứ máu ở phổi.

 

2.3. Lập kế hoạch chăm sóc

- Người điều dưỡng phân tích, tổng hợp và đúc kết các dữ kiện để xác định nhu cầu cần thiết của bệnh nhân, từ đó lập kế hoạch chăm sóc. Khi lập kế hoạch chăm sóc phải xem xét đến tình trạng bệnh nhân, đề xuất vấn đề ưu tiên cần thực hiện trước.

 

2.3.1. Chăm sóc cơ bản

- Bệnh nhân phải được nghĩ ngơi yên tĩnh.

- Ăn uống đầy đủ năng lượng, hạn chế protein.

- Vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.

 

2.3.2. Thực hiện các y lệnh

- Chuẩn bị bệnh nhân chạy thận nhân tạo.

- Cho bệnh nhân uống thuốc và tiêm thuốc theo chỉ định.

- Làm các xét nghiệm trước, trong và sau khi chạy thận.

- Theo dõi bệnh nhân trước, trong và sau khi chạy thận.

- Phối hơp với bác sĩ thực hiện các bước khi làm thủ thuật.

 

2.3.3. Theo dõi

- Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, cân nặng, tình trạng bệnh nhân. Nếu có bất thường báo cho bác sĩ ngay.

- Theo dõi số lượng và màu sắc nước tiểu.

- Theo dõi một số xét nghiệm.

 

2.3.4. Giáo dục sức khoẻ

Bệnh nhân và gia đình cần phải biết về nguyên nhân, cách phát hiện bệnh suy thận mạn cũng như các tai biến có thể xảy ra trong và sau quá trình chạy thận nhân tạo.

 

2.4. Thực hiện kế hoạch châm sóc

2.4.1. Thực hiện chăm sóc cơ bản

- Để bệnh nhân nằm nghỉ ở tư thế đầu cao, nghỉ ngơi yên tĩnh.

- Chuẩn bị yếu tố tâm lý cho bệnh nhân và gia đình về thủ thuật chạy thận.

- Luôn giữ ấm cơ thể bệnh nhân.

- Quan sát và theo dõi các dấu hiệu sinh tồn.

- Chế độ ăn uống:

+ Nước uống: cần căn cứ vào tình trạng bệnh nhân, tình trạng huyết áp và lượng nước tiểu. Thưòng thì lượng nước đưa vào kể cả ăn uống khoảng 300 ml cộng với lượng nước tiểu trong ngày.

+ Ăn chất dễ tiêu, đảm bảo năng lượng và vitamin. Lượng protein đưa vào cũng cần căn cứ vào tình trạng ure máu của bệnh nhân.

- Cho đến nay thì chế độ ăn giảm protein có bổ sung đủ acid amin cơ bản cần thiết đã được khẳng định là có khả năng làm chậm tiến triển của suy thận mạn.

- Vệ sinh hàng ngày cho bệnh nhân: Hàng ngày vệ sinh răng miệng và da để tránh các ổ nhiễm khẩn, phát hiện sớm các ổ nhiễm trùng để có hướng điều trị cho bệnh nhân. Áo, quần, vải trải giường và các vật dùng phải luôn được sạch sẽ. Nếu có ổ loét trên da phải rửa sạch bằng nước oxy già hoặc xanh methylen.

 

2.4.2. Thực hiện các y lệnh

- Thực hiện các xét nghiệm:

+ Các xét nghiệm về máu như: công thức máu, nhóm máu, ure, creatinin, điện giải đồ và dự trữ kiềm, khí máu, pH, glucose, protid, Hb, hematocrit.

+ Các xét nghiệm về nước tiểu: protein, ure, creatinin và tế bào, vi trùng.

+ Điện tâm đồ.

+ X-quang tim phổi.

- Chuẩn bị bệnh nhân:

+ Bệnh nhân nằm trong phòng đảm bảo vô trùng.

+ Đặt sonde bàng quang.

+ Rửa sạch, sát trùng da vùng mạch máu để làm cầu nối theo chỉ định, trải lên trên bằng một sáng vô trùng, có lỗ.

- Thuốc dùng: thực hiện đầy đủ theo y lệnh khi dùng thuốc chống đông. Khi kết thúc chạy thận nhân tạo dùng sulfate protamin. Nếu có bất thường báo cho bác sĩ biết.

 

2.4.3. Theo dõi

2.4.3.1. Theo dõi trước chạy thận nhân tạo

- Dấu hiệu sinh tồn: mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở, cân nặng của bệnh nhân.

- Tình trạng thiếu máu ở bệnh nhân suy thận mạn.

- Số lượng và màu sắc nước tiểu.

- Theo dõi các xét nghiệm:

+ Xét nghiệm máu: ure, creatinin, điện giải đồ, khí máu, pH, glucose, protein, hematocrit, Hb.

+ Xét nghiệm nước tiểu: ure, creatinin.

+ Điện tâm đồ.

+ X quang phổi.

 

2.4.3.2. Theo dõi trong khi chạy thận nhân tạo

Điều dưỡng viên phải lập bảng theo dõi quá trình chạy thận nhân tạo, ghi chép 15-30 phút /lần.

- Dấu hiệu sinh tồn: mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở của bệnh nhân.

- Tình trạng bệnh nhân: da, niêm mạc, cảm giác lạnh run, ý thức.

- Lượng nước tiểu.

- Theo dõi tình trạng huyết động của bệnh nhân.

- Theo dõi các loại thuốc được sử dụng trong quá trình lọc.

- Theo dõi các tai biến có thể xảy ra:

+ Tràn máu màng tim.

+ Suy tim.

+ Rối loạn nước, điện giải.

+ Tai biến do kỹ thuật.

- Theo dõi tốc độ lọc, tổng số dịch lọc.

- Theo dõi tốc độ dịch truyền dịch vào, tổng số dịch truyền, loại dịch.

- Theo dõi thời gian chạy thận nhân tạo.

- Theo dõi hoạt động của máy, đảm bảo an toàn đường dây dẫn, đảm bảo an toàn đường truyền.

 

2.4.3.3. Theo dõi sau chạy thận nhân tạo

- Các dấu hiệu sinh tồn, cân nặng của bệnh nhân.

- Lượng nước tiểu trong 24 giờ.

- Theo dõi các biến chứng:

+ Nhiễm khuẩn máu, viêm gan virus.

+ Xuất huyết.

- Các xét nghiệm: ure, creatinin máu, điện giải đồ máu.

 

2.4.4. Giáo dục sức khỏe

Bệnh nhân và gia đình bệnh nhân cần biết về sự cần thiết chạy thận nhân tạo chu kỳ ở những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối, cũng như các tai biến có thể xảy ra trong và sau quá trình chạy thận nhân tạo.

 

2.5. Đánh giá

Tình trạng bệnh nhân sau khi chạy thận nhân tạo so với trước khi chạy:

- Bệnh nhân sau khi chạy có tiểu được không?

- Dấu chứng phù có giảm không?

- Tình trạng thần kinh và tiêu hóa của bệnh nhân.

- Các dấu hiệu sinh tồn có gì bất thường hay tốt lên không?

- Điện giải đồ trở lại bình thường không? Đặc biệt là kali và dự trữ kiềm.

- Đánh giá chăm sóc điều dưỡng cơ bản có được thực hiện và đáp ứng được với yêu cầu của người bệnh không?

- Những vấn đề sai sót hoặc thiếu cần bổ sung vào kế hoạch chăm sóc và điều trị để thực hiện.

 

LƯỢNG GIÁ

1. Nêu các chỉ định, chống chỉ định và các tai biến của chạy thận nhân tạo chu kỳ.

2. Trình bày quy trình điều dưỡng trong chăm sóc bệnh nhân chạy thận chu kỳ.

3. Các chống chỉ định của chạy thận nhân tạo, NGOẠI TRỪ:

a. Sốc, huyết áp thấp

b. Suy tim nặng, tràn dịch màng tim

c. Rối loạn đông máu do urê máu cao

d. Tuổi cao trên 70, thể trạng bệnh nhân quá yếu

e. Xơ gan, ung thư.

4. Các biến chứng của chạy thận nhân tạo, ngoại trừ:

a. Tràn dịch màng bụng

b. Nhiễm khuẩn máu, viêm gan siêu vi

c. Suy tim

d. Rối loạn nước điện giải

e. Tai biến do kỹ thuật

5. Chế độ ăn cho bệnh nhân chạy thận nhân tạo bao gồm, ngoại trừ:

a. Ăn các chất dễ tiêu

b. Ăn nhiều hoa quả tươi

c. Đảm bảo cung cấp đầy đủ các chất khoáng

d. Đảm bảo cung cấp đủ năng lượng

e. Ăn nhiều protein


* Trong Quyển sách Điều dưỡng nội tập 2, có 22 bài chăm sóc sẽ được cập nhật đầy đủ. Tài liệu là sách đã cũ, Blog Vn Chia sẻ chỉ cập nhật bài viết nguyên bản chưa cập nhật mới về các số liệu. Hy vọng chỉ giúp các bạn về kiến thức nền cơ bản. Chúng ta cần tìm hiểu bài trên mục lục hãy chọn vào tên bài, sẽ chuyển đến bài chăm sóc cần đọc.


* Đọc thêm:


- Điều dưỡng nội tập 1.

Điều dưỡng nội tập 2.

- Phác đồ điều trị bệnh tim mạch năm 2018


Share:

ĐIỀU DƯỠNG CHĂM SÓC BỆNH NHÂN SUY THẬN MẠN - ĐIỀU DƯỠNG NỘI KHOA TẬP 2



Bài 6

CHĂM SÓC BỆNH NHÂN SUY THẬN MẠN

 

MỤC TIÊU

 

1. Trình bày được nguyên nhân, triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng của suy thận mạn.

2. Lập được quy trình chăm sóc bệnh nhân suy thận mạn.

3. Thể hiện được thái độ thông cảm, động viên khi chăm sóc bệnh nhân.

 

1. BỆNH HỌC SUY THẬN MẠN

1.1. Đại cương

Suy thận mạn là hậu quả của các bệnh mạn tính của thận gây giảm sút từ từ số lượng nephron về chức năng làm giảm dần mức lọc cầu thận. Khi mức lọc cầu thận giảm xuống dưới 50% (60 ml/phút) so với mức bình thường (120 ml/phút) thì được xem là có suy thận mạn.

Suy thận mạn là một hội chứng diễn biến theo từng giai đoạn: trong giai đoạn sớm chỉ có một số triệu chứng rất kín đáo, ngược lại vào giai đoạn cuối biểu hiện rầm rộ với hội chứng urê máu cao. Quá trình diễn biến của suy thận mạn có thể kéo dài từ nhiều tháng đến nhiều năm.

 

1.2. Nguyên nhân

Hầu hết các bệnh lý thận mạn tính dù khởi phát là bệnh cầu thận, bệnh ống kẽ thận hay bệnh mạch thận đều có thể dẫn đến suy thận mạn.

 

1.2.1. Bệnh viêm cầu thận mạn

Hay gặp nhất, chiếm 40%. Viêm cầu thận mạn ở đây có thể nguyên phát hay thứ phát sau các bệnh toàn thân: lupus ban đỏ hệ thống, đái đường, Scholein Henon.

 

1.2.2. Bệnh viêm thận bể thận mạn

Chiếm tỷ lệ khoảng 30%. Trong đó viêm thận bể thận mạn trên bệnh nhân có sỏi thận tiết niệu là nguyên nhân thường gặp ở Việt Nam.

1.2.3. Bệnh viêm thận kẽ

Thường do dùng thuốc giảm đau dài ngày (Phenylbutazone), tăng acid uric máu, tăng calci máu.

 

1.2.4. Bệnh mạch thận

- Xơ mạch thận lành tính hoặc ác tính.

- Huyết khối vi mạch thận.

- Viêm quanh động mạch dạng nút.

- Tắc tĩnh mạch thận.

 

1.2.5. Bệnh thận bẩm sinh do di truyền hoặc không di truyền

- Thận đa nang.

- Loạn sản thận.

- Hội chứng Alport.

- Bệnh thận chuyển hóa (Cystinose, Oxalose).

 

1.2.6. Bệnh hệ thống, chuyển hoá

- Đái tháo đường.

- Các bệnh lý tạo keo: Lupus.

- Hiện nay, nguyên nhân chính gây suy thận mạn ở các nước phát triển chủ yếu là các bệnh lý về chuyển hóa và mạch máu thận (đái tháo đường, bệnh lý mạch máu thận) trong khi các nước đang phát triển nhóm nguyên nhân do vi trùng vẫn còn chiếm ưu thế với tỷ lệ cao.

 

1.3. Triệu chứng lâm sàng và cận lâm sàng

1.3.1. Triệu chứng lâm sàng

- Phù: tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây suy thận mạn mà bệnh nhân có thể phù nhiều hay ít, nhiều trường hợp phù rất lớn đe doạ đến tính mạng.

- Thiếu máu thường gặp, thiếu máu nhẹ hay nặng tuỳ từng giai đoạn. Trong viêm cầu thận mạn thiếu máu rất rõ.

- Tăng huyết áp khoảng 80% bệnh nhân, cần lưu ý các trường hợp tăng huyết áp ác tính.

- Suy tim thường là ở giai đoạn muộn và bệnh nhân rất nặng.

- Hội chứng tăng ure máu trên lâm sàng:

+ Dấu chứng về tiêu hóa, thường là chán ăn, nôn và buồn nôn, tiêu chảy...

+ Dấu chứng về thần kinh như nhức đầu, mất ngủ, kích thích hoặc hôn mê tuỳ từng giai đoạn.

+ Dấu chứng về hô hấp thường là khó thở và rối loạn nhịp thở.

+ Dấu chứng về tim mạch: mạch nhanh, huyết áp tăng ở giai đoạn đầu, có thể có tiếng cọ màng tim hay rối loạn nhịp.

+ Ngứa ngoài da.

+ Chuột rút.

+ Dấu chứng xuất huyết có thể gặp ngoài da hay nội tạng.

 

1.3.2. Cận lâm sàng

- Công thức máu thấy thiếu máu.

- Ure, creatinin máu tăng

- Rối loạn điện giải và kiềm toan.

- Protein niệu dương tính.

- Ngoài ra một số xét nghiệm khác có thể tìm được nguyên nhân suy thận mạn: siêu âm, Xquang bụng không chuẩn bị, CT-scan ổ bụng ...

 

1.4. Điều trị

1.4.1. Điều trị nội khoa

- Ăn nhạt khi có phù và huyết áp cao.

- Tránh dùng các thức ăn có nhiều kali.

- Hạn chế thịt và cá tuỳ thuộc vào tình trạng tăng ure máu.

- Lượng nước đưa vào khoảng 300-500 ml cộng với lượng nước tiểu trong một ngày.

- Sử dụng các thuốc tăng huyết áp khi có huyết áp tăng.

- Kháng sinh được sử dụng trong những trường hợp có tình trạng nhiễm trùng, nhưng thận trọng đối với các kháng sinh độc cho thận, cần giảm liều khi dùng kháng sinh ở những bệnh nhân này.

 

1.4.2. Các phương pháp khác

- Lọc máu ngoài thận: thẩm phân màng bụng, thận chu kỳ.

- Ghép thận.

 

1.5. Tiến triển và tiên lượng

- Bệnh nhân bị suy thận mạn tiến triển ngày càng nặng dần cho dù là nguyên nhân gì đi nữa.

- Bệnh có thể dẫn đến tử vong nếu không được chạy thận nhân tạo chu kỳ hay ghép thận kịp thời.

 

2. CHĂM SÓC BỆNH NHÂN BỊ SUY THẬN MẠN

2.1. Nhận định tình hình

2.1.1. Đánh giá bằng cách hỏi bệnh

- Bệnh nhân có bị phù bao giờ chưa?

- Từ trước đến nay có rối loạn tiểu tiện không?

- Có tiền sử bị tăng huyết áp không?

- Có hay bị rối loạn tiêu hóa không?

- Có bị nhức đầu hay chóng mặt không?

- Tình hình sức khoẻ có giảm sút so với trước đây không?

- Tình trạng điều trị và chăm sóc trước đây về bệnh thận nếu có.

- Tình trạng bệnh tật của gia đình bệnh nhân.

 

2.1.2. Đánh giá bằng quan sát

- Đánh giá bệnh nhân về tinh thần, tổng trạng chung của bệnh nhân.

- Có buồn nôn và nôn không?

- Tình trạng hô hấp và hơi thở của bệnh nhân như thế nào?

- Các dấu hiệu về da, niêm mạc như thế nào?

- Tình trạng đi cầu và tính chất phân của bệnh nhân.

- Màu sắc và số lượng nước tiểu.

 

2.1.3. Thăm khám bệnh nhân

- Kiểm tra các dấu hiệu sống.

- Đo số lượng nước tiểu.

- Khám các cơ quan:

+ Bụng: tràn dịch, thận có lớn không, các điểm đau...

+ Hô hấp: nhịp thở, kiểu thở, mùi...

+ Tim mạch: nhịp tim, các tiếng tim bất thường...

 

2.1.4. Thu nhận thông tin

- Thu nhận qua gia đình bệnh nhân.

- Qua hồ sơ, phiếu điều trị và chăm sóc.

 

2.2. Chẩn đoán điều dưỡng

Qua phần nhận định như trên, người điều dưỡng có được một số chẩn đoán ở bệnh nhân suy thận mạn như sau:

- Nhức đầu, mất ngủ do tăng ure máu.

- Chán ăn, buồn nôn do tăng ure máu.

- Tăng thể tích dịch ngoại bào do ứ nước và muối.

- Số lượng nước tiểu giảm do giảm chức năng lọc cầu thận.

- Nguy cơ nhiễm trùng do sức đề kháng giảm.

 

2.3. Lập kế hoạch chăm sóc

Người điều dưỡng phân tích, tổng hơp và đúc kết các dữ kiện để xác định nhu cầu cần thiết của bệnh nhân, từ đó lập ra kế hoạch chăm sóc. Khi lập kế hoạch chăm sóc phải xem xét đến toàn trạng bệnh nhân, đề xuất vấn đề ưu tiên, vấn đề nào cần thực hiện trước và vấn đề nào thực hiện sau.

 

2.3.1. Chăm sóc cơ bản

- Để bệnh nhân nghỉ ngơi, nằm đầu cao.

- Giải thích cho bệnh nhân và gia đình về tình trạng bệnh tật.

- Ăn đầy đủ năng lượng.

- Vệ sinh sạch sẽ hàng ngày.

 

2.3.2. Thực hiện các y lệnh

- Cho bệnh nhân uống thuốc và tiêm thuốc theo chỉ định.

- Làm các xét nghiệm cơ bản.

 

2.3.3. Theo dõi

- Mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở nếu có bất thường phải báo bác sĩ ngay.

- Số lượng và màu sắc nước tiểu.

- Theo dõi một số xét nghiệm như: ure và creatinin máu, protein niệu, công thức máu, nếu có bất thường phải báo cho bác sĩ ngay.

- Theo dõi các biến chứng của bệnh.

 

2.3.4. Giáo dục sức khoẻ

Bệnh nhân và gia đình cần phải biết về nguyên nhân, cách phát hiện bệnh, cách phòng bệnh và thái độ xử trí cũng như cách chăm sóc bệnh nhân suy thận mạn.

 

2.4. Thực hiện kế hoạch chăm sóc

Đặc điểm của bệnh nhân suy thận mạn là tình trạng tăng ure máu, rối loạn nước, điện giải cũng như các biến chứng khác do suy thận mạn gây nên. Bệnh nhân có thể tử vong do những biến chứng của bệnh.

 

2.4.1. Thực hiện chăm sóc cơ bản

- Đặt bệnh nhân nằm nghỉ ở tư thế đầu cao.

- Động viên, trấn an bệnh nhân.

- Luôn giữ ấm cơ thể bệnh nhân.

- Quan sát và theo dõi các dấu hiệu sinh tồn.

- Chế độ ăn uống:

+ Nước uống: cần căn cứ vào tình trạng bệnh nhân, tình trạng huyết áp và lượng nước tiểu. Lượng nước đưa vào kể cả ăn và uống khoảng 300 ml cùng với lương nước tiểu trong ngày.

+ Chế độ ăn đối với bệnh nhân suy thận mạn cần đảm bảo cho bệnh nhân một lượng calo đầy đủ. Bệnh nhân suy thận càng nặng càng cần đến nhiều calo để giảm bớt sự giáng hóa cơ thể. ít nhất cũng phải đạt 35 kcalo/kg trọng lượng/24 giờ.

- Ăn nhạt, thức ăn dễ tiêu, đảm bảo năng lượng và nhiều vitamin (đối với bệnh nhân vô niệu cần hạn chế hoa quả có nhiều K+ như: chuối, cam, quýt, ...). Lượng đạm đưa vào cũng cần căn cứ vào tình trạng ure máu của bệnh nhân.

· Ure máu dưới 0,5g/l có thể cho bệnh nhân ăn nhiều đạm thực vật, ít đạm động vật, số lượng đạm đưa trong mét ngày vào khoảng 0,25 g/kg trọng lượng cơ thể.

· Ure máu từ 0, 5 đến 1g/l, nên dùng đạm thực vật, không dùng đạm động vật và lượng đạm đưa vào trong ngày ít hơn 0,25 g/kg trọng lượng.

· Ure máu trên 1g/l chế độ ăn chủ yếu là glucid và một số acid amin cần thiết.

+ Vệ sinh hàng ngày cho bệnh nhân: hàng ngày vệ sinh răng miệng và da để tránh các ổ nhiễm khuẩn, phát hiện sớm các ổ nhiễm trùng để có hướng điều trị cho bệnh nhân. Áo, quần, vải trải giường và các vật dụng khác phải luôn đươc sạch sẽ.

 

2.4.2. Thực hiện các y lệnh

- Thực hiện đầy đủ các y lệnh khi dùng thuốc, như: các thuốc tiêm, thuốc uống. Trong quá trình dùng thuốc nếu có bất thường phải báo cho bác sĩ biết.

- Thực hiện các xét nghiệm:

+ Các xét nghiệm về máu như: công thức máu, ure, creatinin, điện giải đồ và dự trữ kiềm.

+ Các xét nghiệm siêu âm, điện tim.

+ Các xét nghiệm về nước tiểu: hàng ngày phải theo dõi kỹ số lượng và màu sắc nước tiểu. Các xét nghiệm cần làm là: protein, ure, creatinin và tế bào, vi trùng.

 

2.4.3. Theo dõi

- Dấu hiệu sinh tồn: mạch, nhiệt, huyết áp, nhịp thở của bệnh nhân.

- Các dấu chứng của tình trạng tăng ure máu trên lâm sàng.

- Cân nặng bệnh nhân, dấu hiệu phù.

- Số lượng và màu sắc nước tiểu.

- Theo dõi chức năng thận thông qua các xét nghiệm ure, creatinin máu và nước tiểu, hệ số thanh thải creatinin.

- Theo dõi các dấu hiệu lâm sàng và các xét nghiệm để phát hiện rối loạn nước, điện giải toan kiềm.

- Theo dõi các dấu hiệu của táng K+ máu trên lâm sàng và điện tim.

- Theo dõi các dấu hiệu của hạ Ca++ máu.

 

2.4.4. Giáo dục sức khoẻ

- Bệnh nhân và gia đình cần phải biết về nguyên nhân, cách phát hiện bệnh, cách phòng bệnh và thái độ xử trí cũng như cách chăm sóc bệnh nhân bị suy thận mạn.

- Điều dưỡng viên phải hướng dẫn cho bệnh nhân và gia đình bệnh nhân chế độ ăn cần thiết cho người bị suy thận và cách theo dõi chế độ ăn uống đúng quy định.

- Bệnh nhân và gia đình bệnh nhân cần biết về sự cần thiết chạy thận nhân tạo chu kỳ ở những bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối.

 

2.5. Đánh giá chăm sóc

Tình trạng bệnh nhân sau khi đã thực hiện y lệnh và thực hiện kế hoạch chăm sóc so với lúc ban đầu của người bệnh mới vào viện để đánh giá tình hình bệnh tật:

- Quan sát tình trạng hô hấp có cải thiện không?

- Quan sát số lượng, màu sắc của nước tiểu so với ban đầu.

- Tình trạng thần kinh và tiêu hóa của bệnh nhân.

- Các dấu hiệu sinh tồn có gì bất thường hay tốt lên không?

- Đánh giá chăm sóc điều dưỡng cơ bản có được thực hiện và có đáp ứng đươc với yêu cầu của người bệnh không?

- Những vấn đề sai sót hoặc thiếu cần bổ sung vào kế hoạch chăm sóc và điều trị để thực hiện.

- Các biến chứng xuất hiện.

 

LƯỢNG GIÁ

1. Kể tên các nguyên nhân của suy thận mạn.

2. Nêu các triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng của suy thận mạn.

3. Lập được quy trình chăm sóc bệnh nhân suy thận mạn.

4. Hạn chế thức ăn nào trong suy thận mạn ở bệnh nhân có tăng ure máu:

a. Nước

b. Muối

c. Protid

d. Glucid

e. Lipid

 

5. Trong chăm sóc cơ bản bệnh nhân suy thận mạn, không nên:

a. Để bệnh nhân nghỉ ngơi, nằm đầu cao.

b. Giải thích cho bệnh nhân và gia đình về tình trạng bệnh tật.

c. Khuyên bệnh nhân dùng nhiều trái cây có nhiều kali.

d. Ăn uống đảm bảo năng lượng.

e. Vệ sinh sạch sẽ hàng ngày



* Trong Quyển sách Điều dưỡng nội tập 2, có 22 bài chăm sóc sẽ được cập nhật đầy đủ. Tài liệu là sách đã cũ, Blog Vn Chia sẻ chỉ cập nhật bài viết nguyên bản chưa cập nhật mới về các số liệu. Hy vọng chỉ giúp các bạn về kiến thức nền cơ bản. Chúng ta cần tìm hiểu bài trên mục lục hãy chọn vào tên bài, sẽ chuyển đến bài chăm sóc cần đọc.


* Đọc thêm:


- Điều dưỡng nội tập 1.

Điều dưỡng nội tập 2.

- Phác đồ điều trị bệnh tim mạch năm 2018


Share:

BÀI MỚI

BÀI PHỔ BIẾN

MÁY TÍNH

TÀI LIỆU

GIẢI TRÍ

THÔNG TIN THUỐC

ĐĂNG KÝ EMAIL ĐỌC BÀI MỚI

Name

Email *

Message *

Tất cả bài đăng